TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị với Chính phủ ủng hộ chủ trương xem mục tiêu 'Phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh' là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia, được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Khẳng định vị thế trung tâm tài chính

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, TP. Hồ Chí Minh là nơi hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng GDP của cả nước, trung tâm giao thương của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng nhất.

 Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế tạo một động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút các dòng vốn đầu tư, thương mại, tài chính cho TP. Hồ Chí Minh

Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế tạo một động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút các dòng vốn đầu tư, thương mại, tài chính cho TP. Hồ Chí Minh

Tính đến nay, thành phố đang đóng góp 22,3% GDP, chiếm 26,6% ngân sách quốc gia, thu hút 33,8% số dự án FDI của cả nước. Đây cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán của Việt Nam và hạ tầng tài chính của thành phố vẫn còn nhiều tiềm năng rất lớn với hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trung gian, các quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty chứng khoán...

Tính riêng hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trên địa bàn thành phố hiện có 2.138 đơn vị, với tổng vốn huy động chiếm hơn 24% tổng vốn huy động cả nước. Tổng dư nợ cho vay ở TP. Hồ Chí Minh cũng chiếm tới 28,05% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy, nhu cầu hoạt động tài chính ở khu vực TP. Hồ Chí Minh là rất lớn, là điều kiện tốt để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai.

Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - TP. Hồ Chí Minh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp không nhỏ vào việc duy trì sự tăng trưởng của cả nền kinh tế nói chung. Mục tiêu của thành phố không chỉ là duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước mà còn là thu hẹp và bắt kịp các thành phố trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung. Trong thời đại toàn cầu hóa toàn diện về thương mại, đầu tư, tài chính và công nghệ, một trong những giải pháp để bắt nhịp với xu thế là xây dựng thành phố thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước tiến lên phạm vi toàn cầu.

Quyết tâm với mục tiêu lớn

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng - việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, có thể cạnh tranh với các trung tâm tài chính trong khu vực, TP. Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện các chính sách liên quan đến thuế quan, điều tiết thị trường theo hướng kinh doanh minh bạch, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ... Song hành việc cải thiện các chính sách trên, là việc phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính, phát triển đa dạng và đồng bộ các thị trường... cũng góp phần quan trọng đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia và được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; đồng thời bổ sung nội dung này vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Bước đầu, trung tâm tài chính có thể đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính cho các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar... Tiếp đó, trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh có thể hướng đến mục tiêu gia nhập mạng lưới trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, cung cấp dịch vụ tài chính không chỉ cho các nước trong ASEAN mà rộng hơn.

Trong dài hạn, với nền tảng thị trường tài chính cấp quốc gia cùng với các chính sách, quy định pháp luật mang tính đặc thù, cạnh tranh so với các trung tâm tài chính khác (phù hợp với chuẩn mực hiện đại và tiêu chí quốc tế), trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh sẽ thu hút được nhiều nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu không chỉ trong nước mà cả khu vực và toàn cầu.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-huong-toi-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te-142659.html