TP Hồ Chí Minh huy động 600.000 tỷ đồng từ đâu để đầu tư phát triển năm 2025?

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế ngay từ đầu năm 2025, trong đó đề ra phương án huy động 600.000 tỷ đồng từ các nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Một doanh nghiệp dệt may tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NBC

Một doanh nghiệp dệt may tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NBC

Động lực tăng trưởng cần dựa vào nguồn lực trong nước

Năm 2024, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hồ Chí Minh đạt 7,17%, thấp hơn mục tiêu đề ra (tối thiểu đạt 7,5%).

Xuất khẩu là lĩnh vực có thế mạnh truyền thống của kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng 5 năm trước, tỷ trọng đóng góp xuất khẩu của vùng Đông Nam Bộ (trong đó, thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân) chiếm trên 50% cả nước. Tuy nhiên, hiện khu vực này chỉ còn chiếm 1/3. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, tỷ trọng sản xuất công nghiệp chỉ còn chiếm 24% trên GRDP của thành phố.

Chính vì vậy, năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, không thể dựa vào thế mạnh truyền thống.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để hạn chế những tác động của kinh tế toàn cầu, động lực tăng trưởng của thành phố Hồ Chí Minh năm 2025 phải dựa vào nguồn lực trong nước, nguồn lực của thành phố.

Để tạo động lực đột phá mới trong tăng trưởng kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu kinh tế số đóng góp vào GRDP khoảng 25% vào năm 2025; dịch vụ tiếp tục đóng góp trên 60% GRDP.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành phố Hồ Chí Minh cần quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy hấp thụ vốn trong nước, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, kích hoạt hoạt động tiêu dùng để đưa thị trường nội địa đi lên, chú trọng doanh nghiệp trong nước, phát triển thương hiệu Việt, phát huy tối đa nội lực.

Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh mở rộng sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư. Ảnh: SHTP

Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh mở rộng sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư. Ảnh: SHTP

Lộ trình, phương án cụ thể huy động 600.000 tỷ đồng

Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030; chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Năm 2025 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Do vậy, mục tiêu của thành phố là phải chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2025 trên 10%.

Qua tính toán các cân đối lớn của kinh tế thành phố, để đạt được tốc độ tăng trưởng đột phá trên, thành phố Hồ Chí Minh cần huy động ít nhất 600.000 tỷ đồng. Đây là yếu tố mang tính quyết định.

Trong số 600.000 tỷ đồng cần huy động, nguồn vốn nhà nước dự kiến khoảng 112.000 tỷ đồng (chiếm 25%), bao gồm vốn đầu tư công (khoảng 84.000 tỷ đồng) và các nguồn vốn khác. Nguồn vốn này sẽ đóng vai trò dẫn dắt và tạo động lực thúc đẩy để thu hút các nguồn vốn khác.

Đối với vốn đầu tư tư nhân, huy động khoảng 488.000 tỷ đồng (gồm vốn FDI và vốn của nhà đầu tư trong nước). Theo đó, năm 2025, dự kiến thu hút được 178.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD) thông qua 3 hình thức: Dự án mới, đầu tư mở rộng, mua bán và sáp nhập (M&A).

Ngoài 3 hình thức huy động trên, 3 đầu mối quản lý đầu tư của thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu thu hút các dự án đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế năm 2025.

Cụ thể: Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (Hepza) phấn đấu thu hút khoảng 13.000 tỷ đồng (tương đương 550 triệu USD); Ban Quản lý khu công nghệ cao (SHTP) phấn đấu thu hút khoảng 9.000 tỷ đồng (tương đương 360 triệu USD); Sở Kế hoạch và Đầu tư phấn đấu thu hút khoảng 50.000-75.000 tỷ đồng (tương đương 2-3 tỷ USD). Thành phố cũng chủ động chuẩn bị về cơ chế, đất đai, quy hoạch và tháo gỡ vướng mắc để sẵn sàng cho nhà đầu tư tiếp cận 84 dự án thuộc danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025 với tổng số vốn đầu tư dự kiến trên 296.000 tỷ đồng.

Năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai thực hiện các đề án, chương trình, dự án quan trọng thuộc 10 nhóm: 11 khu vực dự kiến thực hiện TOD (khoảng 1.107ha); đề án Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam; đề án phát triển kết cấu hạ tầng, nghiên cứu dự án đường ven biển; đề án đường sắt đô thị; chương trình phát triển các trung tâm logistics; trung tâm hội chợ - triển lãm quốc tế; đề án chống ngập và xử lý nước thải thành phố; chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030; Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; hoàn thành đưa vào sử dụng công trình đầu tư công đã thi công và hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, các thủ tục đầu tư để triển khai khởi công mới các công trình trọng điểm.

Bên cạnh đó, UBND thành phố quán triệt thực hiện công thức 1-3-7 trong việc giải quyết xử lý hồ sơ hành chính: Tiếp nhận, phân công cán bộ thực hiện trong 1 ngày; phối hợp xử lý trong 3 ngày; thời hạn hoàn thành mỗi công việc không quá 7 ngày. Đặc biệt, đối với thủ tục liên quan dự án đầu tư công, thành phố Hồ Chí Minh không chỉ rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục, mà giải quyết ngay từ 1 đến 3 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố tiếp tục nâng cao xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả với nguyên tắc quản lý rõ đầu việc, rõ người thực hiện, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ và kết quả cuối cùng.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-huy-dong-600-000-ty-dong-tu-dau-de-dau-tu-phat-trien-nam-2025-690159.html