TP Hồ Chí Minh: Kiểm tra nguồn cung đầu vào hàng hóa thực phẩm về các chợ đầu mối
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối cần phối hợp với các đơn vị quản lý, địa phương để vừa đảm bảo nguồn cung, vừa kiểm soát đầu vào hàng hóa, lương thực thực phẩm về các chợ đầu mối.
Khuya 22/1, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn kiểm tra nguồn cung thực phẩm về các chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và chợ đầu mối Hóc Môn.
Báo cáo với đoàn về tình hình cung ứng hàng hóa Tết 2025, ông Nguyễn Văn Huây, Tổng Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, hiện nay tại chợ cung ứng mặt hàng rau củ quả, trái cây và hoa tươi từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cung ứng về chợ như: Hải Dương, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Giang, Lâm Đồng, Phan Thiết, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An và các huyện nội thành TP Hồ Chí Minh như Hóc Môn, Củ Chi. Trong đó, nguồn hàng rau chủ lực đến từ tỉnh Lâm Đồng chiếm 36 - 40% tổng lượng rau về chợ. Trái cây nội từ các tỉnh miền Tây chiếm 50% tổng lượng trái cây về chợ.
Ngoài các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa trong nước, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức có nhiều mặt hàng ngoại nhập từ các nước như Mỹ, Úc, Chi lê, Thái Lan, Ấn Độ, Newzeland, Canada…với hầu hết là mặt hàng trái cây. Riêng hàng Trung Quốc vừa nhập rau (các loại như hành tím, tỏi, cà rốt, khoai tây, nấm, bắp cải… ), vừa nhập trái cây (các loại như quýt, táo, lê, nho, hồng…) với lượng rau chiếm khoảng 9% và trái cây chiếm khoảng 24% tổng lượng về chợ.
Theo ban quản lý chợ nông sản Thủ Đức, hiện nay, các thương nhân kinh doanh tại chợ đã hợp đồng với các nhà vườn dự trữ hàng hóa phục vụ Tết. Theo đó, đa số người kinh doanh chờ dịp Tết mới tăng mạnh về số lượng hàng hóa, nhất là cao điểm trong 4 ngày cuối năm (từ 24 đến 27 âm lịch). Dự kiến, lượng hàng về chợ đợt cao điểm Tết tăng 70 - 120% so với ngày thường. Cụ thể, lượng rau dao động từ 1.800 tấn - 2.500 tấn/ngày, lượng trái cây dao động từ 1.600 tấn - 2.500 tấn/ngày, hoa tươi dao động từ 100 - 380 tấn/ngày... So với cao điểm cùng kỳ năm trước, lượng hàng rau và trái cây nhập chợ tăng 10%, lượng hoa tươi nhập chợ tăng 4%.
Ngoài ra, trong đợt cao điểm phục vụ thị trường Tết, các phương tiện vận chuyển vào chợ đông, năng lực bến bãi không đủ để cung ứng chỗ đậu xe, vì vậy ban quản lý chợ cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thuộc TP Hồ Chí Minh, Công an thành phố Thủ Đức, Công an phường Bình Chiểu giúp đỡ cho xe lưu thông trong những ngày cao điểm 26, 27, 28 tháng Chạp.
Tương tự, tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, đơn vị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dự trữ tại các kho chứa, các xe container chạy gắn điện lạnh xung quanh chợ. Do vậy, khi nguồn hàng thiếu, các đơn vị sẽ được bổ sung kịp thời. Trong đó, mặt hàng thịt lợn về chợ dự kiến tăng cao trong hai ngày 26 - 27 tháng Chạp tăng 100%, tương đương từ 10.000 - 11.000 con/đêm.
Ghi nhận nỗ lực chuẩn bị hàng hóa của tiểu thương chợ đầu mối, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh mong các tiểu thương tiếp tục ổn định nguồn hàng để cung cấp cho người dân trong thị trường Tết 2025. Hiện nay, vấn đề nguồn cung hàng hóa về các chợ đầu mối khá dồi dào nhưng để hàng hóa lưu thông thông suốt, các đơn vị chức năng liên quan tại thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn phối hợp với ban giám đốc các chợ phân luồng giao thông nhằm tránh kẹt xe, tạo điều kiện cho hàng Tết lưu thông trong những ngày cao điểm Tết.
"Các ban quản lý chợ cần tiếp tục tăng cường quản lý đảm bảo chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm, xử lý nước thải tại chợ; quan tâm ứng dụng chuyển đổi số trong kiểm soát, truy xuất hàng hóa khi nhập hàng về. Đặc biệt là có giải pháp để chấm dứt tình trạng buôn bán xung quanh các chợ đầu mối, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ đảm bảo quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc, chứng từ hàng hóa cho các tiểu thương tại chợ", ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm.
Liên quan đến nguồn cung hàng hóa, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt mua sắm cao điểm cho dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương cùng Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở An toàn Thực phẩm và các đơn vị liên quan phối hợp các tỉnh, thành tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động sản xuất, cung ứng, nắm chắc tình hình sản xuất tại vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung hàng hóa về các chợ đầu mối, các hệ thống phân phối...
"Đối với công tác chuẩn bị nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25 - 43% thị phần, bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả… Ngoài ra, Sở cũng đã xây dựng các phương án sản xuất, cung ứng, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn ứ hàng hóa; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối cung cầu hàng hóa, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ, chuẩn bị hàng hóa Tết", ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm.