TP. Hồ Chí Minh: Kiểm tra, xử lý nghiêm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và lập lại trật tự thị trường. Trong năm 2024 và 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm, thu giữ lượng lớn sản phẩm kém chất lượng và xử phạt hàng tỷ đồng.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, cho biết trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri ngày 22/5/2025, ngành công thương thành phố đã kiểm tra và xử lý 590 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm, qua đó tạm giữ 332.657 sản phẩm thực phẩm không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hơn 12,1 tỷ đồng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đạt hơn 11,2 tỷ đồng.

Riêng đối với mặt hàng sữa, Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương đã kiểm tra 7 vụ, tạm giữ 2.654 hộp sữa các loại và 40kg bột sữa, tổng trị giá hơn 188 triệu đồng, xử phạt hơn 165 triệu đồng.

TP. Hồ Chí Minh tăng cường quản lý, xử phạt thực phẩm không rõ nguồn gốc

TP. Hồ Chí Minh tăng cường quản lý, xử phạt thực phẩm không rõ nguồn gốc

Nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các nhóm mặt hàng thuộc Bộ Công Thương quản lý, ngay từ đầu năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường quyết liệt triển khai công tác quản lý địa bàn. Các hoạt động kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh tại các kênh bán lẻ, đại lý, sàn thương mại điện tử nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Song song đó, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn ký cam kết chấp hành pháp luật về dược và an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã thực hiện kiểm tra và xử lý 5.529 vụ vi phạm. Đáng chú ý, 15 vụ có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển cơ quan điều tra, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 24,9 tỷ đồng.

Lực lượng Quản lý thị trường thành phố đã xử phạt với số tiền hơn 100,3 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 114 tỷ đồng. Gần 1,8 triệu đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, trị giá hơn 74,2 tỷ đồng đã bị tịch thu. Đồng thời, 1,16 triệu đơn vị sản phẩm hàng hóa không đủ điều kiện lưu thông, hàng cấm, hàng giả mạo nhãn hiệu, trị giá hơn 78 tỷ đồng đã bị buộc tiêu hủy.

Cụ thể, Quản lý thị trường thành phố đã xử lý 712 trường hợp hàng lậu với 912.300 đơn vị sản phẩm, trị giá hơn 26,6 tỷ đồng, phạt tiền hơn 11,9 tỷ đồng. Đối với hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ 2.452 trường hợp đã được kiểm tra, xử lý với 1.946.985 đơn vị sản phẩm, trị giá hơn 93,1 tỷ đồng, phạt tiền hơn 47,29 tỷ đồng. Lực lượng Quản lý thị trường cũng xử lý 1.337 trường hợp hàng giả với 305.320 đơn vị sản phẩm, trị giá hơn 13,6 tỷ đồng, phạt tiền hơn 15,9 tỷ đồng.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú khẳng định trong thời gian tới, Sở Công Thương thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm an toàn. Việc ký cam kết không vi phạm và tuyên truyền thông qua hoạt động kiểm tra, xử lý sẽ giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng cũng sẽ được khuyến khích cung cấp thông tin về các cơ sở có dấu hiệu vi phạm để các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý và công khai các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-kiem-tra-xu-ly-nghiem-thuc-pham-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-164623.html