TP Hồ Chí Minh liên kết các tỉnh hỗ trợ đảm bảo nguồn thịt lợn

Trước tình hình nguồn cung thịt lợn khan hiếm trên thị trường, các địa phương đang tính đến giải pháp thay thế thịt lợn thiếu hụt bằng cách tăng nguồn cung các loại thịt gia cầm, thịt bò, thủy hải sản và thịt lợn nhập khẩu.

Tại Hội nghị: “Sơ kết công tác phối hợp thực hiện Chương trình bình ổn thị trường giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ, đại diện Sở Công thương các địa phương cũng bàn về việc liên kết để hỗ trợ nhau đảm bảo sản lượng thịt lợn, không để thiếu cục bộ.

Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, tổng đàn lợn của Đồng Tháp qua đợt dịch tả Châu Phi bị thiệt hại 50%. Hiện nay, ngoài nguồn lợn giết mổ hàng ngày trên địa bàn tỉnh, còn có nguồn từ các tỉnh bạn như Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long…

Nhưng Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu tăng cao do các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được làm từ thịt sẽ tăng, khiến mặt hàng thịt lợn diễn biến khó lường.

Giá thịt lợn vẫn ở mức cao.

Giá thịt lợn vẫn ở mức cao.

Ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Công thương Long An nhìn nhận: “Thị trường hàng hóa không có biến động lớn về cung cầu, gây đột biến giá cả, ngoại trừ thịt lợn. Hiện nay lượng lợn trong dân không còn nhiều, khả năng là thiếu nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán”.

Đại diện các Sở Công thương 13 tỉnh, thành rất quan tâm về nguồn cung thịt lợn nhập khẩu để cung ứng kịp thời nếu thị trường xảy ra thiếu hụt. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trước khi Chính phủ có chỉ đạo nhập khẩu 100 ngàn tấn thịt lợn để phục vụ dịp Tết, TP Hồ Chí Minh đã chủ động khuyến khích các DN nhập khẩu nhập thịt lợn. Đồng thời cũng có nhiều giải pháp kèm theo xung quanh vấn đề nhập thịt.

Hiện, tại các hệ thống phân phối hiện đại ở TP Hồ Chí Minh đã đưa thịt lợn đông lạnh ra thị trường và người dân hưởng ứng rất tốt. Về việc một số địa phương đặt vấn đề đưa thịt lợn đông lạnh về các tỉnh thì phải xét đến 2 vấn đề.

Thứ nhất, muốn bán thịt đông lạnh thì buộc phải có hệ thống bảo quản lạnh chứ không như bán thịt nóng. Do đó, các tỉnh cần rà soát hệ thống phân phối hiện đại của mình có thể đáp ứng yêu cầu này… Thứ hai, tính đến khả năng tiêu thụ của người dân địa phương. Các tỉnh cũng cần nắm bắt lại nhu cầu thật sự của tỉnh cần bao nhiêu và tính toán xem có cần đưa sản phẩm đông lạnh về hay không?

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ cho rằng, nhập khẩu thịt lợn để không bị hụt hàng tăng giá nhưng không có nghĩa là nhập ồ ạt. Nếu không, sẽ trở thành khủng hoảng thừa, đánh “chết” nền sản xuất lợn trong nước. Do đó, việc nhập khẩu thịt lợn để cân đối cũng hết sức cân nhắc. “TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đông Tây Nam Bộ trong thời gian qua đã có sự liên kết chặt chẽ. Nếu mặt hàng của bất cứ tỉnh, thành nào bị lũng đoạn thì ngay lập tức sẽ được các tỉnh khác hỗ trợ.

Riêng năm nay, mặt hàng thịt lợn tỉnh nào cũng có nguồn dự trữ. Nếu TP Hồ Chí Minh cần thịt lợn, trong vòng 3-4 giờ sau, Cần Thơ và các tỉnh có thể hỗ trợ ngay và ngược lại. Do đó, vấn đề thịt lợn trong thời gian tới là đảm bảo ổn định”, ông Toại khẳng định.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/tp-ho-chi-minh-lien-ket-cac-tinh-ho-tro-dam-bao-nguon-thit-lon-577145/