TP Hồ Chí Minh: Năm học mới, vẫn áp lực cũ về sĩ số lớp

Theo quy định năm học 2024 - 2025, ở bậc tiểu học, mỗi lớp học sẽ không quá 35 học sinh. Tuy nhiên, đối với TP Hồ Chí Minh, để thực hiện được theo đúng quy định này là điều 'bất khả thi' đối với một số quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Khó thực hiện theo đúng quy định

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học trước, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn xảy ra hiện tượng quá tải sĩ số, có nơi gần 50 em/lớp học, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi lớp học ở bậc tiểu học không quá 35 học sinh.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi lớp học ở bậc tiểu học không quá 35 học sinh.

Để ngăn tình trạng vượt quá sĩ số/lớp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn về việc thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2024 - 2025 đối với bậc tiểu học. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ các trường tiểu học đảm bảo mỗi lớp chỉ 35 em.

Quy định trên đã khiến cho một số quận, huyện và thành phố Thủ Đức (nhất là những quận, huyện vùng ven, luôn có số học sinh tăng cơ học cao) khó thực hiện được.

Tại quận Gò Vấp, trong năm học mới 2024 - 2025, toàn quận có 41.698 học sinh cấp tiểu học. Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng Giáo dục quận Gò Vấp cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với quận là hàng năm dân số tăng cơ học khá cao, gây ra áp lực lớn về nhu cầu trường lớp; một số phường như Phường 9 và Phường 12 hiện chưa có trường tiểu học, học sinh phải đi học xa, sĩ số học sinh trên lớp cao hơn so với quy định.

“Hiện rất khó thực hiện theo đúng quy định sĩ số 35 học sinh/lớp. Để đảm bảo đủ chỗ học cho con em trong độ tuổi đến trường, sĩ số lớp học tại các trường tiểu học trên địa bàn quận đang cao hơn so với quy định 6,89 học sinh/lớp học”, ông Trịnh Vĩnh Thanh chia sẻ.

Tương tự, trong nhiều năm qua, quận Bình Tân cũng luôn là "điểm nóng" về tình trạng quá tải học sinh, do tăng dân số cơ học. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục quận Bình Tân cho biết, trong năm học mới này, quận có khoảng 66.000 học sinh tiểu học; mặc dù quận có đưa vào sử dụng một số trường học mới xây, nhưng vẫn không thể đáp ứng được quy định 35 học sinh/lớp, mà chỉ có thể đưa ra mục tiêu giảm sĩ số.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tạo TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi năm, số học sinh tại Thành phố tăng thêm khoảng gần 25.000 học sinh, làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp, vượt so với chuẩn quy định, nhất là ở cấp tiểu học.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, số học sinh không có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 20% tổng số học sinh. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (nhất là cấp tiểu học), số lượng học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm, chưa đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách Thành phố. Hiện nay, địa bàn một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

Tăng tốc xây thêm trường mới

Ông Ngô Văn Tuyên cho biết, trong năm học 2024 - 2025, trên địa bàn quận có thêm 5 trường tiểu học mới. Đây là năm học mà quận xây mới nhiều phòng học nhất.

“Việc nỗ lực xây dựng trường lớp, năm học mới này tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày trên địa bàn quận sẽ tăng; sĩ số lớp học cũng sẽ giảm dưới 40 học sinh, khoảng 38 học sinh/lớp”, ông Ngô Văn Tuyên chia sẻ.

Còn ông Trịnh Vĩnh Thanh cho biết, giải pháp trước mắt quận đề ra trong năm học 2024 - 2025 là thực hiện hoàn thiện quy định 35 học sinh/lớp đối với học sinh khối lớp 1; còn những khối lớp khác không khả thi vì quá tải từ các năm trước. Giải pháp lâu dài để giảm quá tải học sinh chỉ có cách xây thêm trường học mới.

“Hiện nay, theo quy định các công trình đầu tư công đều phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trên mạng, cũng gây mất thời gian, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình”, ông Trịnh Vĩnh Thanh bày tỏ thêm.

Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 17 Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa X, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều nguyên nhân khiến cho các dự án xây dựng trường học mới gặp khó nhăn như đất vướng quy hoạch, các vấn đề liên quan và phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu kinh phí…

Về công tác đầu tư xây dựng trường lớp chuẩn bị khai giảng năm học 2024 - 2025, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, dự kiến trong năm 2024 sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới, với tổng mức đầu tư hơn 2.237,6 tỷ đồng. Ngày 5/9 tới đây, sẽ đưa vào sử dụng 18 dự án, với 413 phòng học mới, có tổng mức đầu tư hơn 1.970,38 tỷ đồng; trong đó, mầm non có 41 phòng học, tiểu học có 246 phòng học và trung học cơ sở có126 phòng học.

Dự kiến từ sau ngày 5/9 đến hết tháng 12/2024 sẽ đưa vào sử dụng 5 dự án với 63 phòng học mới có tổng mức đầu tư 267,22 tỷ đồng; trong đó, ở cấp mầm non là 3 phòng học, tiểu học là 30 phòng học…

Trong năm học mới 2024 - 2025, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh trong đợt 1 là 337 người, với 30 vị trí việc làm; trong đó có 263 giáo viên và 74 nhân viên các trường học.

Kết thúc đợt 1 kỳ tuyển dụng, TP Hồ Chí Minh đã tuyển dụng được 294 giáo viên, nhân viên; đạt tỷ lệ gần 84,54%. Trong đó, tuyển dụng được 254 giáo viên, tương đương tỷ lệ gần 96,58% và 41 nhân viên, tương đương tỷ lệ 55,4%. Đặc biệt, hầu hết các vị trí giáo viên, ngay cả các giáo viên ở những bộ môn khó tuyển hàng năm như mỹ thuật, tiếng Anh, tin học… đều tuyển đủ.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/tp-ho-chi-minh-nam-hoc-moi-van-ap-luc-cu-ve-si-so-lop-20240808163746632.htm