TP. Hồ Chí Minh: Nghị quyết đại hội cổ đông do đại diện vốn Samco làm chủ tọa bị Tòa tuyên hủy vì hàng loạt vi phạm
Nghị quyết đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần vận tải biển Sài Gòn do đại diện vốn của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV - Samco làm chủ tọa đã bị TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên hủy vì hàng loạt vi phạm, bất chấp các quy định pháp luật.
Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hồ Chí Minh vừa có quyết định (số 1016/2023/QĐPT-KDTM) quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự liên quan đến Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn (SSC, đại diện vốn Nhà nước của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn – TNHH MTV - Samco)
Theo đó, vào các ngày 28-29.9.2023, TAND TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành mở phiên họp giải quyết việc dân sự thụ lý số 49/TLPT-KDTM về việc “Yêu cầu hủy Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông” liên quan đến SSC. Lý do quyết định giải quyết việc dân sự số 07/2023/QĐST-KDTM ngày 7.2.2023 của TAND quận 1 bị kháng cáo.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 28.7.2022, SSC tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2022 với sự tham dự của 28 cổ đông đại diện cho 89,35% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tại đại hội, cổ đông trình bày kiến nghị về các vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh, đầu tư chưa được Đại hội thường niên 2022 thông qua, không được sửa chữa, đưa ra thảo luận, thông qua kỳ đại hội bất thường này.
Trước khi diễn ra đại hội cổ đông bất thường, Hội đồng quản trị của SSC đã tiến hành họp kín với các nội dung sẽ được ra bàn bạc và xin ý kiến đại hội. Tuy nhiên, khi tiến hành đại hội cổ đông, cũng chính đại diện vốn Samco là thành viên HĐQT tại công ty đã thông qua các nội dung trình đại hội lại thay đổi các nội dung đã thống nhất, vì thế cổ đông đã bỏ phiếu không thông qua toàn bộ biên bản họp và Nghị quyết của đại hội cổ đông.
Biên bản họp đại hội cổ đông bất thường năm 2022, chỉ 51,93% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của SSC; 58,12% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội đã bỏ phiếu nhất trí thông qua nghị quyết. Tỷ lệ này không đạt mức 65% theo điểm c khoản 2 Điều 30 của Điều lệ của SSC.
Bên cạnh đó, việc cổ đông bỏ phiếu không thông qua toàn văn Nghị quyết, phủ quyết các nội dung trong cuộc họp là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Nên việc chủ tọa cuộc họp là ông Lê Minh (đại diện phần vốn của Samco, chủ tọa đại hội cổ đông) không chấp nhận ý kiến thay đổi của cổ đông tại phần cuối của cuộc họp là trái quy định, không tôn trọng quyền lợi hợp pháp của cổ đông gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cổ đông.
Dù nhiều ý kiến phản đối được đưa ra, tuy nhiên ngày 28.7.2022, SSC vẫn ban hành Nghị quyết đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn số 01/NQ-ĐHĐCĐ-SCC.
Vì thế, cổ đông đã yêu cầu tòa án hủy Nghị quyết nêu trên do việc ban hành Nghị quyết trên trái với điều lệ công ty, Nghị quyết không đủ tỷ lệ 65% trở lên theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 30 Điều lệ của SSC; Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2020.
Tại phiên tòa sơ thẩm, phía SSC khẳng định việc ban hành nghị quyết trên là hoàn toàn phù hợp điều lệ và quy định pháp luật.
Tại quyết định sở thẩm giải quyết việc dân sự số 218/2022/KDTM-ST ngày của TAND quận 1 đã căn cứ các Điều 149, 367, 370, 372 của Bộ Luật Tố tụng Dân sự; Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020; Khoản 1 Điều 37 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 20.12.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định: Chấp nhận yêu cầu của cổ đông: Hủy bỏ Nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ-SCC của Đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn thông qua ngày 28.7.2022.
Ngày 15.2.2023, SSC nộp đơn kháng cáo với lý do quyết định của cấp sơ thẩm hoàn toàn không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ việc và quy định pháp luật…, SSC đề nghị sửa toàn bộ quyết định của cấp sơ thẩm, bác bỏ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên phúc thẩm, TAND TP. Hồ Chí Minh căn cứ các chứng cứ, tài liệu, ý kiến của các bên liên quan, ý kiến của Viện KSND…, kết luận: Kháng cáo của Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn là không có cơ sở chấp nhận.
Từ đó, TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên xử không chấp nhận kháng cáo của Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn về việc sửa toàn bộ Quyết định giải quyết việc dân sự số 07/2023/QĐST-KDTM của TAND quận 1; Chấp nhận yêu cầu của cổ đông về việc: Hủy bỏ Nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ của Đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn được thông qua ngày 28.7.2022.
Quyết định giải quyết việc dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Không chỉ bị TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên hủy Nghị quyết đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần vận tải biển Sài Gòn do đại diện vốn của Samco làm chủ tọa, rất nhiều “lùm xùm” liên quan đến hoạt động kho bãi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước có liên quan đến đại diện vốn Nhà nước của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn – TNHH MTV – Samco tại SSC và Công ty Cổ phần Cảng Phú Định.
Cụ thể, thành viên HĐQT SSC nhiều lần gửi công văn kiến nghị, phản ánh đến Samco; UBND TP. Hồ Chí Minh; Thanh tra TP. Hồ Chí Minh; Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn. Qua đó nêu ra hàng loạt bất cập, có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại kho bãi cho thuê khi không đủ điều kiện khái thác, kéo dài thời gian khai thác, không có sở hữu, vi phạm mật độ xây dựng, không đảm bảo an toàn PCCC, vi phạm việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác; hoạt động kinh doanh không hiệu quả trong thời gian dài…
Về các vấn đề bất cập nêu trên, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh đã có kết luận gửi UBND TP. Hồ Chí Minh và chờ Samco giải quyết dứt điểm.
Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND Quận 8 về đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến Công ty Cổ phần Cảng Phú Định.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ giám sát, thông tin quá trình thực thi pháp luật, xử lý các vấn đề liên quan đến vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.