TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự
Thời gian qua, công tác thi hành án dân sự (THADS) của các cơ quan THADS Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực. Tời gian tới, Cục THADS sẽ tập trung nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác.
Các bản án, quyết định của Tòa án được đưa ra thi hành kịp thời, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tổ chức bộ máy của các cơ quan THADS Thành phố Hồ Chí Minh từng bước được củng cố, kiện toàn; phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức lãnh đạo quản lý, của đội ngũ Chấp hành viên, công chức thi hành án dân sự được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành và địa phương trong tình hình mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức THADS hiện vẫn còn một số hạn chế. Để khắc phục những vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác THADS, Cục THADS Thành phố xác định tập trung cải tiến, đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện nhật ký thi hành án; Tăng cường vai trò của hoạt động tự kiểm tra và kiểm tra; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới; Tiếp tục cải tiến công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ theo hướng sâu sát, cụ thể đối với những vấn đề được xin ý kiến; kịp thời nghiên cứu, tổng hợp để hướng dẫn chung những vướng mắc về nghiệp vụ thường gặp ở từng khâu tổ chức thi hành án. Kiên quyết khắc phục các trường hợp chậm trả lời cấp dưới hoặc cấp dưới chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Đối với lãnh đạo Chi cục, sẽ tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất đối với Chấp hành viên có phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát; Lãnh đạo các Chi cục cần nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc ban hành quyết định thi hành án để phân công công chức tiếp nhận bản án, công chức tham mưu ra quyết định thi hành án có trình độ về pháp luật, có kinh nghiệm và biết cập nhật những quy định mới của pháp luật có liên quan đến việc ban hành quyết định thi hành án; Phân công Lãnh đạo Chi cục phụ trách tiếp nhận các kết luận kiểm tra, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, kháng nghị, kiến nghị và theo dõi việc khắc phục để thường xuyên báo cáo lãnh đạo. Các Chi cục THADS cần chủ động trong việc tổ chức thực hiện kết luận kiểm tra, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, trả lời các kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát đối với cơ quan thi hành án dân sự; đồng thời tự giám sát việc khắc phục tại đơn vị mình, nhất là đối với địa bàn để xảy ra nhiều sai phạm hoặc những sai phạm mang tính chủ quan, do yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ, qua đó thực hiện việc khắc phục những kiến nghị, kháng nghị được triệt để hơn.
Cùng với đó, Chi cục trưởng cần phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS về những vi phạm, thiếu sót đã được chỉ ra tại các kết luận kiểm tra, kiến nghị, kháng nghị đối với công tác THADS ở địa phương, địa bàn mình, cũng như về những sai phạm thường gặp ở địa bàn khác đã được tổng hợp để các Chấp hành viên, công chức nắm được, tránh vi phạm tương tự lặp lại trên địa bàn. Nơi nào đã được chỉ ra sai phạm mà không khắc phục, còn lặp lại vi phạm hoặc vi phạm nặng hơn thì sẽ bị xem xét trách nhiệm một cách nghiêm túc. Đồng thời đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức lãnh đạo, công chức thi hành án; Giáo dục ý thức trách nhiệm với dân, đồng thời, phải xử lý nghiêm khắc những trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, vi phạm về đạo đức, lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ; Tiếp tục quan tâm công tác tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức của ngành, đảm bảo công chức mới, công chức mới nhận nhiệm vụ mới phải được tập huấn nghiệp vụ được giao.
Bên cạnh đó, các Chấp hành viên phải dành thời gian nghiên cứu văn bản pháp luật hiện hành; thận trọng và có tinh thần trách nhiệm trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như: xác minh điều kiện thi hành án; Áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và đề xuất ban hành các quyết định liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Đồng thời, Chấp hành viên cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu các công chức giúp việc cho mình thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình giúp việc cho Chấp hành viên, đảm bảo quá trình tổ chức thi hành án tuân thủ pháp luật; Hồ sơ thi hành án phản ánh đúng, chặt chẽ quá trình tổ chức thi hành án. Chủ động đề xuất những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong quá trình tác nghiệp để cấp trên tổng hợp, đóng góp ý kiến hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác thi hành án dân sự./.