TP. Hồ Chí Minh: Nhiều hoạt động chăm lo Tết cho dân nặng nghĩa nhân văn
Với việc dành hơn 1.000 tỷ đồng để chăm lo Tết Nguyên đán 2024 cho nhiều đối tượng, người có công, hộ nghèo, bảo trợ xã hội, người lao động bị mất việc làm... thông qua chuỗi hoạt động 'Xuân yêu thương - Tết sum vầy', TP. Hồ Chí Minh đã và đang hiện thực hóa chủ trương không ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo ai cũng có Tết.
Mục tiêu không để ai không có Tết
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM), quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương của TP. Hồ Chí Minh là phải đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng có Tết. Ngay từ giữa năm 2023, được giao chủ trì, Sở LĐ-TB&XH thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương, rà soát đối tượng, lên kế hoạch triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho người dân thành phố trong dịp Xuân Giáp Thìn.
Theo đó, thành phố dành hơn 1 nghìn tỷ đồng để chăm lo Tết cho các đối tượng bao gồm: người có công, các hộ nghèo, bảo trợ xã hội… Nguồn kinh phí tăng đáng kể hơn 34 tỷ đồng so với dịp Tết năm 2023, do tăng các diện cần chăm lo mới như người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Các đơn vị thực hiện chủ lực cho chính sách chăm lo Tết Nguyên đán 2024 gồm: Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn lao động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP.HCM (bao gồm các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể quần chúng địa phương…).
Theo kế hoạch, Liên đoàn Lao động TP.HCM đảm nhiệm chăm lo, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc, giảm giờ làm, không có điều kiện về quê đón Tết… với phương châm "Tết đến với mọi đoàn viên công đoàn".
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đơn vị dự kiến tổng kinh phí chăm lo Tết Nguyên đán 2024 hơn 33,5 tỷ đồng cho hơn 33.000 trường hợp, từ các nguồn quỹ mà MTTQ TP.HCM vận động, quản lý. Ngoài ra, hệ thống MTTQ các cấp dự kiến chăm lo Tết cho người dân hơn 150 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, TP.HCM thành lập nguồn quỹ mới về an sinh xã hội. Nguồn quỹ này nhằm phối hợp, liên kết các cơ quan, tổ chức, các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân, nhà hảo tâm, các tổ chức làm thiện nguyện… cùng tham gia xây dựng các đề án, chương trình cụ thể hỗ trợ cho người lao động khó khăn mà lưới an sinh hiện nay chưa bao phủ hết.
Về phía Thành đoàn TP.HCM cũng cho biết, đã chủ động nguồn kinh phí để thăm hỏi, tặng quà cho khoảng 22.000 đoàn viên, thanh niên khó khăn; hỗ trợ gần 4.000 vé xe, vé tàu cho học sinh - sinh viên, thanh niên công nhân về quê đón Tết...
Cùng với các hoạt động chăm lo khác, Thành đoàn TP.HCM cũng sẽ tặng quà cho công nhân bị mất việc hoặc không có điều kiện về quê đón Tết cùng gia đình; thăm và tặng quà cho chiến sĩ và gia đình các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại các vùng biên giới, biển đảo; tặng quà cho các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn...
Sôi nổi nhiều hoạt động ý nghĩa
Những ngày trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, với truyền thống đùm bọc, nghĩa tình, tương thân, tương ái đã và đang được TP.HCM phát huy mạnh mẽ với chủ đề “Xuân yêu thương - Tết sum vầy”, cùng với tinh thần chăm lo Tết chu đáo cho người dân. Tinh thần đó đã tạo nên tình cảm ấm áp, sự sẻ chia được lan tỏa trong “Tết tri ân”. Các địa phương đã chăm lo Tết chu đáo cho người dân, không được để ai không có Tết, qua đó ngày Tết trở nên ấm áp hơn với mọi người, mọi nhà…
Đến nay, toàn thể hệ thống chính trị thành phố đã tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn năm 2024, với tổng kinh phí hơn 1.102 tỷ đồng để chăm lo 625.442 trường hợp các diện chính sách có công, cán bộ hưu trí, diện người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội. Với nghĩa tình của TP.HCM, năm nay thành phố hỗ trợ chăm lo cho 1.600 hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn tại các tỉnh với kinh phí 1,6 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” thành phố.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Liên đoàn Lao động, Thành đoàn TP.HCM và 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức cùng vào cuộc chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho các đối tượng với hơn 188 tỷ đồng. Đến nay, MTTQ TP.HCM đã hỗ trợ cho hơn 15.000 hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tham gia chương trình “Siêu thị mini 0 đồng”.
Theo đó, Liên đoàn Lao động TP.HCM và Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động làm việc trong khu như: tổ chức các chương trình văn nghệ chào đón năm mới; chương trình trao tặng vé xe, vé tàu, vé máy bay trị giá hàng chục tỷ đồng.
Chương trình “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” với chủ đề “Khuyến khích không dùng tiền mặt” chăm lo cho hơn 11.500 đoàn viên, người lao động, với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng.
Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân tri ân” đã chăm lo hơn 13.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, ưu tiên cho đoàn viên công đoàn tại các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, không có điều kiện về quê đón Tết.
Chương trình “Phiên chợ nghĩa tình - Tết đoàn viên”; “Mua sắm phúc lợi - Tết yêu thương”; “Phiên chợ xuân”; điểm bán hàng bình ổn giá… đã hỗ trợ hàng ngàn công nhân, lao động khó khăn.
Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thành phố trao hơn 70.000 phần quà Tết, với hơn 20 tỷ đồng cho nữ công nhân môi trường đô thị, nữ công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nữ công nhân lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn; cán bộ chi, tổ hội, hội viên, phụ nữ dân tộc, phụ nữ có đạo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật…
Phong trào “Tết Nhân ái” Xuân Giáp Thìn, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cùng thực hiện trao tặng 80.000 suất quà cho người khó khăn không có điều kiện đón Tết. Đối với chương trình “Tết Nghĩa tình - Xuân Giáp Thìn 2024” cũng chăm lo cho 4.000 hộ hội viên nông dân nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn, với hơn 8,2 tỷ đồng./.
Thông qua việc huy động nguồn lực xã hội, mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên và các cơ quan có liên quan rà soát, kịp thời giúp đỡ các doanh nghiệp chăm lo cho người lao động ngừng việc - nghỉ việc có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết phù hợp với điều kiện của địa phương với chủ đề “Xuân đoàn kết - Tết nghĩa tình”…