TP Hồ Chí Minh: Phát huy sức mạnh kiều bào để phát triển kinh tế
Hiện nay, việc phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối không chỉ là một nhiệm vụ chiến lược của TP Hồ Chí Minh mà còn là trách nhiệm và kỳ vọng của kiều bào.
Cần các chính sách thông thoáng
Nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn lực kiều hối, tháng 9/2024 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn đến năm 2030". Theo đề án này, TP Hồ Chí Minh ưu tiên dịch chuyển nguồn kiều hối vào các lĩnh vực chứng khoán, cổ phiếu, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bất động sản.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã và đang đón nhận sự đầu tư tích cực từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. TP Hồ Chí Minh luôn chào đón kiều bào trở về chung tay xây dựng đất nước. Để hỗ trợ kiều bào hiệu quả, thành phố đang tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo minh bạch trong các sản phẩm, dịch vụ cũng như các chương trình hỗ trợ cộng đồng kiều bào khi họ về đầu tư.
Chia sẻ về đề án, bà Trần Tuệ Tri, kiều bào Singapore, đồng sáng lập Vietnam Brand Purpose nhận định rằng, TP Hồ Chí Minh cần xác định rõ nhóm đối tượng thụ hưởng từ đề án, bao gồm kiều bào, du học sinh, doanh nghiệp, tổ chức tài chính... Qua đó, Thành phố có thể xây dựng phương thức tiếp cận phù hợp để thu hút hiệu quả nguồn lực. Đồng thời, bà Tri đề xuất khuyến khích các tổ chức tư nhân tham gia đề án, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ và viễn thông. Những doanh nghiệp này có thể phát triển các sản phẩm sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đặc thù của kiều bào khi triển khai các dự án công nghệ số.
Ông Trần Văn Tâm, kiều bào Mỹ nhấn mạnh rằng, TP Hồ Chí Minh cần tới 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho các tuyến metro sắp tới. Do đó, Thành phố cần xây dựng các chính sách cụ thể hơn về chuyển đổi số trong ngành xây dựng để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Khi phát hành trái phiếu, nên phân rõ nguồn vốn kiều hối sẽ được sử dụng cho hạng mục nào, từ đó giúp kiều bào nắm rõ và triển khai đầu tư hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) cho biết, Thành phố đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án hạ tầng, đặc biệt là tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Dự kiến, hơn 30.000 tỷ đồng sẽ được huy động từ nguồn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. HFIC đã ký thỏa thuận hợp tác với 9 ngân hàng để hỗ trợ lãi suất và đảm bảo quá trình phát hành trái phiếu diễn ra thuận lợi.
Trong khi đó, ông Henry Bùi Xuân Hoàng, kiều bào Hoa Kỳ nhận định, khoa học công nghệ trong nước đang phát triển chậm hơn so với nhiều quốc gia khác. Ông Henry mong TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp và kiều bào trong lĩnh vực công nghệ đóng góp vào sự phát triển công nghệ số của quốc gia.
Ông Henry cũng cho rằng, doanh nghiệp kiều bào mong muốn mang tiền, công nghệ và tri thức về xây dựng quê hương, nhưng vẫn cần có chính sách cụ thể, minh bạch, cùng các thủ tục hành chính thông thoáng. Khi có các chính sách đầu tư phù hợp và thông thoáng, kiều bào sẽ mạnh dạn đầu tư hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối
Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh luôn xác định vai trò đặc biệt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt mức tăng trưởng GDP trên 10%, đánh dấu bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội.
Để đạt được mục tiêu này, TP Hồ Chí Minh đang tập trung huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy công nghiệp hiện đại, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, Thành phố mong muốn kiều bào phát huy nguồn lực kiều hối để cùng chung tay xây dựng kinh tế - xã hội tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. "Việc phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối hiện không chỉ là nhiệm vụ chiến lược của TP Hồ Chí Minh mà còn là trách nhiệm và kỳ vọng của cộng đồng kiều bào", ông Hà Phước Thắng chia sẻ.
Theo ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh, để thực hiện thành công đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030”, Ủy ban đã chủ động tham mưu và hỗ trợ lãnh đạo thành phố triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Các biện pháp cụ thể bao gồm: Kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính, công ty kiều hối trên địa bàn; tăng cường các hoạt động ký kết thỏa thuận về dịch vụ tài chính, đa dạng hóa hình thức chuyển tiền; khai thác các thị trường tiềm năng lớn, đặc biệt ở các nước có đông người Việt lao động và kinh doanh; mở rộng các kênh dịch vụ chuyển tiền trên cả nước, giúp người Việt Nam ở nước ngoài thuận lợi hơn trong việc chuyển kiều hối về nước; hỗ trợ các tổ chức tài chính và công ty chuyển tiền quốc tế mở rộng mạng lưới chi trả kiều hối tại TP Hồ Chí Minh.
Dưới góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh đạt gần 9,6 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2023. Đây là một nguồn lực quan trọng, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo ông Lệnh, con số này không chỉ phản ánh hiệu quả của các chính sách tiền tệ ngoại hối mà còn cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh ngày càng thuận lợi. Đồng thời, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các giải pháp cụ thể của UBND TP Hồ Chí Minh trong việc thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối đã góp phần thúc đẩy dòng tiền kiều bào chuyển về, hỗ trợ mạnh mẽ cho các mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.