TP. Hồ Chí Minh: Phụ huynh xếp hàng đưa con đi làm Căn cước công dân

Ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh, đồng loạt các phụ huynh đã đưa các con dưới 14 tuổi đến cơ quan công an để làm thẻ Căn cước công dân.

Ngày 1/7/2024, khi Luật Căn cước có hiệu lực, công an ở nhiều địa phương đã bắt đầu cấp thẻ Căn cước cho công dân theo luật mới.

Thời điểm này, nhiều cha mẹ cũng tranh thủ dẫn trẻ nhỏ đến các địa điểm để làm hồ sơ xin cấp Căn cước công dân. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi nhận được sự đồng tình và ủng hộ từ phụ huynh, đồng thời mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Ghi nhận tại điểm thu nhận hồ sơ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh), nhiều phụ huynh cùng con cái xếp hàng chờ làm thủ tục cấp thẻ căn cước.

Chị Thanh Tuyền, phụ huynh của bé Trung 8 tuổi, chia sẻ: "Tôi thấy việc cung cấp Căn cước công dân cho trẻ dưới 6 tuổi rất tốt. Trước đây, mỗi lần làm thủ tục cho con, tôi phải mang theo rất nhiều giấy tờ. Giờ có thẻ căn cước, mọi thứ đơn giản hơn nhiều".

Chị Phan Thị Diễm Linh, phường Tân Phong, quận 7, dẫn 2 con (7 tuổi và 10 tuổi) tới làm căn cước mới, cho biết: “Việc làm thẻ căn cước mới cho các con sẽ đem lại nhiều lợi ích, nhất là việc đi máy bay sẽ không cần phải mang nhiều giấy tờ và không còn lo lắng việc để quên giấy khai sinh của con nữa”.

Việc cấp Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.

Việc cấp Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.

Anh Vũ Phong, phụ huynh của bé Trang 6 tuổi, cũng nhận định: " Tôi rất ủng hộ việc làm thẻ căn cước cho trẻ em nhưng thấy vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và phụ huynh cùng với việc cải thiện dịch vụ sẽ giúp quá trình này diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn".

Một cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an quận 5, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Khi làm thẻ Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi, cha mẹ sẽ được hướng dẫn cập nhật thông tin online trên VNeID, sau đó đưa trẻ tới thực hiện thu nhận vân tay, chụp ảnh gương mặt và thu nhận mống mắt. Đơn vị ở đây đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống phần mềm, bảo đảm việc thu nhận, cấp căn cước mới cho công dân, đặc biệt với trẻ dưới 14 tuổi.”

Hiện nay, nhiều cơ quan công an ở các tỉnh thành đã và đang nỗ lực cải tiến quy trình làm thẻ căn cước, giảm bớt các bước thủ tục và tăng cường dịch vụ hỗ trợ trực tuyến. Cơ quan công an cũng lưu ý, để cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em, cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của trẻ dưới 14 tuổi cần có tài khoản định danh điện tử mức 2 để đăng nhập vào cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Sau đó, người dân sẽ đăng ký lịch hẹn làm căn cước tại cơ quan thường trú, sau đó đưa trẻ đến nơi để lăn tay và chụp ảnh. Cơ quan công an các xã, phường, thị trấn rà soát và hỗ trợ người dân đăng ký lịch hẹn.

Thẻ Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi không chỉ là giấy tờ tùy thân quan trọng mà còn là công cụ giúp quản lý, nhận diện và bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Việc làm thẻ căn cước cho trẻ từ sớm giúp phụ huynh dễ dàng hơn trong các thủ tục hành chính và pháp lý liên quan đến con em mình. Thẻ này giúp xác định rõ danh tính, độ tuổi và tình trạng công dân của trẻ, từ đó bảo vệ quyền lợi của các em trong các giao dịch, dịch vụ công cũng như các hoạt động hàng ngày.

Ngoài ra, thẻ còn giúp quản lý và theo dõi các thông tin cá nhân của trẻ em một cách hiệu quả hơn. Điều này là rất cần thiết trong bối cảnh khi các vấn đề như lạm dụng, bóc lột, buôn bán trẻ em vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Với thẻ Căn cước công dân, các cơ quan chức năng có thể dễ dàng kiểm soát và bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ này.

Việc cấp thẻ Căn ước công dân cho trẻ em được đánh giá sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các em, đồng thời thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai của đất nước.

Yến Thư

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-phu-huynh-xep-hang-dua-con-di-lam-can-cuoc-cong-dan-330022.html