TP. Hồ Chí Minh: Sức bật mới từ phát triển kinh tế xanh

TP. Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước đang hướng tới mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xanh. Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ là 'thỏi nam châm', tạo sức bật để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh, bền vững cho Thành phố.

Tăng trưởng ngoạn mục

Ngày gần cuối năm, tại một hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, người đứng đầu thành phố - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ, TP. Hồ Chí Minh đang trong quá trình phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Dù phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức nhưng thành phố vẫn phục hồi nhanh, phát triển kinh tế – xã hội để bù đắp lại những thiệt hại mấy năm qua. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 9%, so với chỉ tiêu của năm là 6-6,5%, chiếm khoảng 48,4% GRDP của vùng.

Người đứng đầu thành phố khẳng định, với TP. Hồ Chí Minh, những thành tựu đạt được kể trên phải nói là rất ngoạn mục, bởi nơi đây từng là tâm điểm và cũng là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất cả nước trong đợt dịch Covid-19. Lại càng phấn khởi, tự hào hơn khi mọi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của người dân, doanh nghiệp đã được đền đáp xứng đáng.

Ngay từ những tháng đầu năm 2022, thành phố bước ra khỏi vòng xoáy của dịch bệnh với bộn bề công việc hệ trọng phải lo toan để làm sao sớm khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Người đứng đầu thành phố chia sẻ, để làm được điều này, bên cạnh sự quan tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành, TP. Hồ Chí Minh luôn bền bỉ, kiên trì mục tiêu ưu tiên hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp thông qua các chính sách, cách làm phù hợp, hiệu quả.

TP. Hồ Chí Minh: Sức bật mới từ phát triển kinh tế xanh

TP. Hồ Chí Minh: Sức bật mới từ phát triển kinh tế xanh

Đối với TP. Hồ Chí Minh, những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm. Hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung vào 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào 2 mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường…

Nhu cầu phát triển tất yếu

Ngày đầu năm mới 2023, ngồi quan sát, ngắm toàn cảnh TP. Hồ Chí Minh từ tòa tháp Landmark cao nhất thành phố, GS. Trương Nguyện Thành - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang chia sẻ với phóng viên, điểm mạnh nhất của TP. Hồ Chí Minh hiện nay là thị trường tiêu thụ của hơn 10 triệu cư dân, lớn nhất nước. Nền kinh tế của thành phố phần lớn là dịch vụ từ tài chính, đào tạo, khoa học công nghệ, trục giao thông chính cả đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy (logistics) phục vụ cho các vùng lân cận và toàn quốc, kể cả toàn cầu.

GS. Thành cho rằng, trên khía cạnh kinh tế xanh thì cần giảm tác động tiêu cực lên môi trường từ thị trường tiêu thụ của hơn 10 triệu cư dân, như xử lý rác thải và giảm khí thải CO2 từ giao thông. Phải thay đổi thói quen và văn hóa của người tiêu dùng trong việc nhận thức về tác động đến môi trường là một thách thức và cần đầu tư vào đào tạo dài hạn. Để giảm khí thải CO2, thành phố cũng phải thúc đẩy nhanh phát triển các hệ thống giao thông công cộng như tàu điện để giảm tải lượng xe máy trên đường. Bên cạnh đó, phát triển mạnh các hệ thống giao thông sẽ giúp thành phố tối ưu thế mạnh của mình và góp phần vào nền kinh tế tuần hoàn không cục bộ.

Tạo “thỏi nam châm” thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư

Nền kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đang phát triển đa dạng, hài hòa, hiệu quả cao trên mọi lĩnh vực, từ khai thác thủy sản, nông nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp chế biến, xây dựng… đến du lịch, tài chính, tiền tệ. Đặc biệt là việc quan tâm nỗ lực để thực hiện mục tiêu phát triển “nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh”. TP. Hồ Chí Minh xem đây như một “thỏi nam châm” để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư và khởi nghiệp.

Với góc nhìn TP. Hồ Chí Minh là trung tâm dịch chuyển hàng hóa, tiền tệ, theo GS. Thành cũng có thể xem nơi đây là một trung tâm dịch chuyển nhân sự. Do đó, hoạt động phát triển nguồn nhân lực lao động cần coi trọng. Lâu nay, thành phố luôn là nơi phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cho các vùng. Các trường đại học thành phố có thể liên kết đào tạo với trường đại học các tỉnh, tận dụng công nghệ đào tạo và mở rộng cơ chế để giảng viên và sinh viên có thể dịch chuyển một cách dễ dàng.

Có bạn trẻ từng nói, đã là công dân TP. Hồ Chí Minh đều là người trong cuộc, không ai khác, tôi, bạn và tất cả chúng ta đều có quyền đóng góp, chia sẻ và có quyền được hưởng thụ những thành quả tốt đẹp của quá trình thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đem lại. Cảm nhận mùa xuân mới đang tới, tôi, bạn và tất cả chúng ta hãy đổi thay tư duy, nhận thức và hành động vì một thành phố xanh, hiện đại, thông minh, năng động, nghĩa tình… thật sự đúng tầm, đúng nghĩa đích thực của nó trong tương lai không xa.

Những ngày Xuân, đi qua những khu phố, những con đường xanh ngắt hàng dầu, hàng me, qua những công viên… cảm nhận một thành phố xanh, hiện đại, thông minh, năng động đang dần hiện hữu...

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-suc-bat-moi-tu-phat-trien-kinh-te-xanh-120631.html