TP. Hồ Chí Minh: Tái cấu trúc thương mại dịch vụ sau sáp nhập
TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước một cơ hội lịch sử để tái định hình ngành thương mại - dịch vụ sau khi mở rộng địa giới hành chính. Với tham vọng trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ và logistics hàng đầu Đông Nam Á, thành phố đặt trọng tâm vào việc xây dựng chuỗi cung ứng bán lẻ đồng bộ và hiệu quả làm động lực chính.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, thành phố hiện đóng góp 23,5% GDP cả nước và giữ vai trò đầu tàu tiêu dùng với tổng mức bán lẻ hơn 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20% cả nước. Tuy nhiên, ngành thương mại - dịch vụ vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn như chuỗi cung ứng phân mảnh, hệ thống phân phối thiếu liên kết, hạ tầng thương mại chưa đồng bộ và năng lực logistics còn hạn chế. Đặc biệt, thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng lại chưa gắn kết chặt chẽ với sản xuất, logistics và phân phối truyền thống, gây ra nhiều nút thắt trong dòng chảy cung ứng hàng hóa.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh mới đã trở thành một siêu đô thị đa cực, kết hợp giữa trung tâm hành chính - tài chính - tiêu dùng truyền thống với vùng công nghiệp - logistics - cảng biển năng động. Để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, logistics quốc tế hàng đầu Đông Nam Á, TP. Hồ Chí Minh mới cần xây dựng một chiến lược định vị rõ ràng, có tính phân vai không gian và chuyên môn hóa chức năng theo vùng.

Phát triển thương mại dịch vụ từ hệ thống bán lẻ
Chuyên gia này đề xuất, thành phố cần định hướng tổ chức hệ thống thương mại theo mô hình "1 thành phố, 3 trung tâm" để khai thác hiệu quả lợi thế từ địa phương, vừa tạo tính liên kết chuỗi. Theo đó, khu vực TP. Hồ Chí Minh cũ là trung tâm bán lẻ - tiêu dùng cao cấp của vùng; khu vực Bình Dương cũ là trung tâm logistics và thương mại công nghiệp đóng vai trò sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ quan trọng; khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu cũ sẽ là trung tâm thương mại - cảng biển xuất nhập khẩu chiến lược. Việc sáp nhập hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương vào TP. Hồ Chí Minh được xem là cơ hội vàng để xây dựng hạ tầng logistics đồng bộ và liền mạch hơn, khắc phục tình trạng manh mún, cục bộ trước đây.
Ông Lê Trường Sơn, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, nhấn mạnh, việc mở rộng địa giới hành chính mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ phục vụ khách hàng tốt hơn, từ khu vực trung tâm đến vùng ven, từ thành thị đến nông thôn. Với hơn 60.000 cửa hàng tạp hóa và khoảng 350 chợ truyền thống đang cung ứng 60-65% hàng hóa cho thị trường, không gian tiêu thụ rộng lớn của TP. Hồ Chí Minh mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bán lẻ chủ động các phương án phát triển.
Đồng quan điểm, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Central Retail Việt Nam cũng lưu ý sự cần thiết phải phát triển và kết nối hoàn thiện hạ tầng logistics: "Khi hạ tầng logistics thông suốt, chi phí sẽ giảm và việc phân phối hàng hóa sẽ bùng nổ. Chúng tôi chủ động đưa hàng quốc tế về Việt Nam và đem hàng Việt Nam đi thế giới, nhưng điều quan trọng là logistics được tổ chức thế nào để việc lưu thông hàng hóa thuận lợi, giảm chi phí và có được giá thành hợp lý".
Định hướng trọng tâm trong phát triển thương mại, dịch vụ giai đoạn mới, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, thành phố sẽ phát triển quy hoạch không gian thương mại – dịch vụ gắn với đô thị đa trung tâm, tận dụng lợi thế hướng biển, tăng cường kết nối vùng, ưu tiên hình thành các cụm trung tâm mua sắm hậu cần, chợ đầu mối và logistics kết nối với các tuyến vành đai và cảng biển. Theo đó, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, lấy chợ truyền thống, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trọng tâm chuyển đổi vận hành, quản trị, thanh toán và kết nối chuỗi cung ứng. Cùng với đó, tập trung đầu tư phát triển mạnh hạ tầng thương mại, logistics thông minh, đồng bộ, tăng cường đầu tư vào các trung tâm phân phối, kho vận hiện đại, sàn giao dịch điện tử, kết nối chặt chẽ với hệ thống giao thông đô thị và cảng biển; phát triển chuỗi logistics cảng biển thông minh, tận dụng lợi thế cảng trung chuyển Cần Giờ, tăng cường kết nối vùng và quốc tế…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, thành phố sẽ kiến nghị Trung ương xem xét ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ thành phố phát triển hạ tầng thương mại, logistics hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong chuỗi cung ứng. Đây là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm kinh tế, thương mại, tiêu dùng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á.