TP.Hồ Chí Minh tăng cường đối thoại giữa Chấp hành viên với ngân hàng

Đây là một trong những giải pháp được Cục THADS TP Hồ Chí Minh đề cao nhằm thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Căn cứ Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh và Cục THADS Thành phố đã ban hành Quy chế phối hợp để triển khai thực hiện trên toàn thành phố. Sau 05 năm (từ 2015-2019) đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, hàng năm đều thu số tiền từ trên 5 ngàn tỷ đến gần 14 ngàn tỷ mỗi năm (năm 2018 thu cao nhất với số tiền trên 13.746 tỷ đồng)

Cục THADS TP Hồ Chí Minh đánh giá, sau khi Quy chế được ban hành đã trở thành cơ sở quan trọng cho công tác phối hợp giữa các tổ chức tín dụng với cơ quan Thi hành án dân sự. Đặc biệt là trong vấn đề xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Quy chế phối hợp ra đời đã nâng cao sự quan tâm của các cơ quan chủ quản đối với các vụ việc liên quan ngành tài chính, ngân hàng trên địa bàn. Các tổ chức tín dụng đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Cục THADS Thành phố đối với cấp dưới trong việc thực hiện công tác thi hành án có liên quan đến các tổ chức tín dụng, hỗ trợ công tác thu hồi nợ xấu. Cục THADS Thành phố đã tích cực trong việc cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ hiệu quả cho tổ chức tín dụng trong việc giải quyết khó khăn vướng mắc về mặt thủ tục, rút gọn thời gian và thủ tục khi nộp đơn yêu cầu thi hành án.

Thực hiện Quy chế phối hợp đã giúp hệ thống ngân hàng có thêm kênh thông tin để trao đổi khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án, nhờ đó các tổ chức tín dụng có thể phản hồi những trường hợp chậm thi hành án hoặc phản ánh những trường hợp Chấp hành viên gây khó dễ, nhũng nhiễu, những khó khăn, vướng mắc liên quan khác… đến Cục THADS Thành phố để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi hành án, giúp tổ chức tín dụng tiết kiệm được thời gian và công sức trong công tác xử lý nợ.

Thông qua hoạt động phối hợp đã tạo được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh và Cục THADS, nhờ đó công tác hỗ trợ cung cấp thông tin, trao đổi thông tin giữa hai đơn vị luôn được nhanh chóng và kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh và Cục THADS Thành phố thường xuyên trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự qua hình thức bằng văn bản. Khi nhận được văn bản đề nghị hỗ trợ từ các cơ quan THADS trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh đều phối hợp và ban hành văn bản nhắc nhở, yêu cầu các tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan THADS và báo cáo tình hình thực hiện về Ngân hàng Nhà nước để theo dõi, đối với các trường hợp không thể phối hợp thực hiện, các đơn vị cũng có văn bản giải thích rõ.

Tuy nhiên, khó khăn là ở chỗ, kết quả đạt được trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án dân sự cũng như sự kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Tình trạng bất động sản, nhà đất bán đấu giá không có người mua, tài sản phải giảm giá nhiều lần, có những tài sản phải giảm giá đến 1/3, thậm chí là giảm đến 1/2 mới bán được dẫn đến việc thi hành án phải kéo dài.

Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục xử lý tài sản (nhất là thủ tục xử lý bất động sản) còn khá phức tạp mất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giải quyết thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Một số trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất cấp cho tổ chức đem thế chấp, bảo đảm khi đến giai đoạn thi hành án thì đã hết thời hạn nhà nước cho thuê đất, giao đất nhưng người phải thi hành án không làm thủ tục tiếp tục thuê đất, giao đất vẫn chưa có hướng xử lý để thi hành án.

Để nâng cao hiệu quả việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn Thành phố Cục Thi hành án dân sự Thành phố xác định tiếp tục

triển khai và thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan có thẩm quyền khác liên quan đến công tác thi hành án dân sự nói chung và các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng nói riêng.

Tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa cơ quan Thi hành án dân sự với các tổ chức tín dụng trong giải quyết hồ sơ thi hành án thông qua thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan Thi hành án dân sự với các tổ chức tín dụng, ngân hàng; tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng, năng lực công tác của đội ngũ công chức, nhất là lực lượng Chấp hành viên, Thư ký thi hành án.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động của Chấp hành viên. Phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của Tổ Chỉ đạo thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng và thi hành án dân sự trọng điểm.

Đặc biệt, duy trì việc tổ chức đối thoại giữa Chấp hành viên, Lãnh đạo cơ quan Thi hành án dân sự với ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đồng thời, tổ chức thực hiện đợt cao điểm thi hành án trong những tháng cuối năm và xem việc tổ chức thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng là trọng tâm.

Cẩm Tú

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/tpho-chi-minh-tang-cuong-doi-thoai-giua-chap-hanh-vien-voi-ngan-hang-497609.html