TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trưởng tăng cường công tác quản lý địa bàn; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương thực hiện biện pháp nghiệp vụ, giám sát các cửa hàng, doanh nghiệp tư nhân liên quan đến kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn để xử lý nghiêm tình trạng vật liệu xây dựng giả, nhái, kém chất lượng.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Ủy ban nhân dân Thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trưởng tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương thực hiện biện pháp nghiệp vụ, giám sát các cửa hàng, doanh nghiệp tư nhân liên quan đến kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng Quản lý thị trường.
Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trưởng Thành phố đã kiểm tra, xử lý 58 vụ vi phạm, tạm giữ 13.617 m2, 3,24 tấn và 7.053 đơn vị sản phẩm vật liệu xây dựng (gạch men, sơn chống thấm, tấm lợp, thép...) các loại với tổng trị giá hơn 4,6 tỷ đồng.
Cục đã xử phạt với số tiền hơn 1,34 tỷ đồng và xử lý tang vật theo quy định. Đồng thời, đã chuyển cơ quan điều tra 02 vụ có dẫu hiệu tội phạm, trị giá tang vật hơn 3,61 tỷ đồng.
Trong đó điển hình như đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn, phát hiện tại đây kinh doanh 10.432,4 m2 tấm lợp polycarbonate không hóa đơn chứng từ, giả mạo xuất xứ, trị giá khoảng 2 tỷ đồng.
Qua tổng hợp, các hành vi vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa vật liệu xây dựng gồm: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; giả xuất xứ; bán hàng hóa phải có dấu hợp quy nhưng không có dấu hợp quy theo quy định.
Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trưởng đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn để xác định các điểm kinh doanh chứa trữ, kho hàng, bến bãi, điểm trung chuyển đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc trao đổi thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn để thực hiện công tác giám sát. Từ đó, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm của các đối tượng kinh doanh vật liệu xây dựng nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, gian lận thương mại.
Cục Quản lý thị trường Thành phố sẽ chủ động phối hợp với Sở Xây dựng Thành phố, các đơn vị chủ sở hữu nhãn hiệu trong việc trao đổi thông tin, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng vật liệu xây dựng.