TP. Hồ Chí Minh: Tăng hiệu quả quản lý tem điện tử đối với rượu, thuốc lá
Từ thực tế vẫn còn nhiều nhiều sản phẩm, nhất là rượu thủ công bày bán công khai trên thị trường nhưng không dán tem, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ thị các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tem điện tử đối với sản phẩm rượu, thuốc lá trên địa bàn.
Trong thông báo gửi đến các đơn vị về tăng cường giải pháp quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Công thương ban hành văn bản chỉ đạo rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất rượu, thuốc lá trên địa bàn; phối hợp với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và các cấp, ngành thực hiện rà soát, tổng hợp, đánh giá trên cơ sở rà soát đến từng xã, phường về thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh; công tác cấp phép; đăng ký, sử dụng tem; đăng ký, kê khai nộp thuế.
Đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm quy định về dán tem đối với rượu và thuốc lá theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022).
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng giao UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện, các cấp, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã...: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý tem điện tử rượu, tem điện tử thuốc lá trên địa bàn theo Thông tư số 23/2021/TT-BTC.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm bày bán, lưu thông trên địa bàn; đẩy mạnh công tác truyền thông đến từng phường xã, tổ dân phố, công chức, viên chức, người lao động, tổ chức cá nhân sản xuất rượu, thuốc lá; đồng thời quán triệt các cấp ngành, đoàn thể, các đơn vị, tổ chức, cơ quan nhà nước chỉ đạo không sử dụng sản phẩm không dán tem, không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ theo quy định.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, qua khảo sát công tác quản lý, sử dụng tem điện tử đối với sản phẩm rượu, thuốc lá trên địa bàn, cho thấy vẫn còn một số hạn chế trong việc quản lý tem. Biểu hiện là còn có nhiều sản phẩm, nhất là rượu thủ công bày bán công khai, tiêu thụ trên thị trường nhưng không đăng ký, dán tem.
Nguyên nhân chủ yếu là công tác phối hợp giữa các cấp ngành với cơ quan thuế trong việc rà soát thực tế hoạt động sản xuất, quản lý cấp phép để xác định tổ chức cá nhân thuộc diện quản lý sử dụng tem chưa được chặt chẽ, thường xuyên; chưa có giải pháp đồng bộ quản lý, sử dụng tem điện tử đối với hoạt động sản xuất rượu, thuốc lá trên địa bàn...