TP. Hồ Chí Minh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xanh

TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, phát triển kinh tế xanh được Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư.

Khu du lịch Vàm Sát huyện Cần Giờ nhìn từ trên cao.

Khu du lịch Vàm Sát huyện Cần Giờ nhìn từ trên cao.

Thành tựu trong phát triển kinh tế xanh

Xuyên suốt quá trình phát triển Thành phố, phát triển kinh tế xanh được thể hiện ngày càng rõ nét thông qua các dự án cải tạo môi trường sinh thái, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phát triển chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, bao gồm phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cao cấp, sản xuất thông minh, tiêu dùng thông minh,…

Đặc biệt, những thành tựu nổi bật nhất, đáng tự hào mà Thành phố đạt được là khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ với quy mô diện tích hơn 34 ngàn ha từ vùng đất chết. Thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào trồng rừng, khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhờ nỗ lực đó, Rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2000. Sự hồi sinh của hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ có ý nghĩa quan trọng về môi trường sinh thái, đồng thời giúp phát triển du lịch và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Đến nay huyện Cần Giờ trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế với trên 3 triệu lượt khách du lịch mỗi năm; nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản đạt trên 53 ngàn tấn mỗi năm.

Tiếp theo đó, Thành phố đã hồi sinh tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài gần 10 km chạy qua trung tâm, từ một dòng kênh chết từng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng lớn đến hình ảnh Thành phố. Mặc dù còn nhiều việc phải làm nhưng việc hồi sinh kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã tạo sự thay đổi quan trọng diện mạo môi trường Thành phố, tạo sự hài lòng đối với người dân Thành phố, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng sống, thu hút du lịch trong nước và quốc tế. Việc cải thiện môi trường sinh thái góp phần quan trọng vào nâng cao nhận thức của người dân vào việc bảo vệ môi trường và thu hút đầu tư vào Thành phố.

Cùng với đó, Thành phố tiếp tục đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm dài gần 9 km, dự kiến khởi công vào năm 2024, kết thúc vào năm 2028 với tổng kinh phí 9.600 tỷ đồng. Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sau khi hoàn thành sẽ cải thiện đáng kể môi trường Thành phố, tạo sự hứng khởi đối với người dân, hình thành mạng lưới giao thông dọc hai bờ kênh.

Trong lĩnh vực công nghiệp, ngay từ những năm 2000 Thành phố đã chủ trương chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao. Đồng thời đã đầu tư phát triển Công viên phần mềm quang Trung và Khu công nghệ cao. Đến nay, các mô hình này đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế Thành phố.

Khu công nghệ cao Thành phố đã thu hút nhiều tập đoàn công nghệ cao trên thế giới đến đầu tư. Hiện đã có hơn 10 tập đoàn hàng đầu toàn cầu hiện diện tại đây như: Intel, Jabil, Rockwell Automation (Mỹ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), TTI (Đức). Kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao năm 2022 đạt 23 tỷ USD. Công viên phần mềm Quang Trung đã phát triển thành chuỗi công viên phần mềm trên phạm vi cả nước. Sản xuất xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo gắn với kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. Xu hướng chuyển đổi từ sử dụng năng lượng xăng dầu sang điện năng ngày càng phổ biến trong sản xuất các phương tiện vận tải.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thành phố đầu tư nhiều nguồn lực, ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp sinh thái đô thị, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn; lĩnh vực tiêu dùng, hướng đến tiêu dùng xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường. Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng phổ biến tác động ngày càng mạnh mẽ đến sản xuất công nghiệp và nông nghiệp theo hướng sản xuất xanh.

Triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế xanh phát triển hơn nữa trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4589/QĐ về phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, Thành phố ban hành 18 chủ đề chính, bao gồm: Xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững. Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh; tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tuyên truyền giáo dục và nâng cao nhận thức; Phát triển nguồn lực và việc làm xanh; Phát huy nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Hội nhập và hợp tác quốc tế; Bình đẳng trong chuyển đổi xanh; Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng.

Từng bước hạn chế các ngành phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới; Đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hang hóa vận tải, thúc đẩy hoạt động logistics theo hướng xanh; Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái; Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thông minh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý chất thải thông qua việc nghiên cứu và phát triển các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyển hóa chất thải thành tài nguyên, nguyên liệu sản xuất; Ngăn ngừa và giảm thiểu phát sinh các chất ô nhiễm không khí đối với các ngành, lĩnh vực và tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí; Quản lý tài nguyên nước, tài nguyên đất đai, đa dạng sinh học; phát triển kinh tế biển xanh; Tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững.

Triển khai, mở rộng hệ thống cơ sở y tế xanh, thông minh, bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và sự cố môi trường; Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh.

Theo ông Trần Văn Bích - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, để thực hiện chủ đề trên, Thành phố cần ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững.

Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh; tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các ngành, lĩnh vực, lãnh thổ và tăng cường theo hướng liên ngành, liên vùng, thúc đẩy các ngành xanh, giảm phát thải khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức.

Cùng với đó, nghiên cứu, khảo sát, thống kê số liệu, định kỳ dự báo nhu cầu và khả năng cung ứng nguồn nhân lực cho các ngành nghề xanh, phổ biến, cung cấp thông tin về thị trường việc làm xanh và tạo điều kiện khuyến khích phát triển nguồn nhân lực cho các ngành nghề xanh.

Bên cạnh đó, Thành phố vận dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 để huy động các nguồn lực tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh.

Mặt khác, đẩy mạnh tăng trưởng xanh dựa trên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Triển khai các chương trình chuyển đổi số nhằm mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Song song đó, nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng điện phân phối, giảm tiêu thụ điện năng, nâng cao hiệu quả sử dụng điện tiến tới xây dựng lưới điện thông minh.

Về công nghiệp: Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng. Từng bước hạn chế các ngành phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Chú trọng ứng dụng công nghệ xanh, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiế tkiệm tài nguyên, cải thiện môi trường sinh thái.

Về giao thông vận tải và dịch vụ logistics: Tăng cường đầu tư hiện đại hóa các hệ thống, mạng lưới giao thông, phương tiện trên cơ sở tiết kiệm năng lượng, có hiệu quả kinh tế, môi trường cao, có khả năng chống chịu với biến đổi khi hậu. Đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hàng hóa vận tải, thúc đẩy hoạt động logistics theo hướng xanh.

Trong lĩnh vực xây dựng: Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái

Tăng cường công tác quản lý chất thải thông qua việc nghiên cứu và phát triển các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyển hóa chất thải thành tài nguyên, nguyên liệu sản xuất; Sử dụng nước tiết kiệm, tuần hòa nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước và bình đẳng giữa các đối tượng sử dụng nước. Đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia và cơ sở dữ liệu về quản lý tài nguyên nước. Thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, khắc phục tình trạng suy thoái đất.

Đẩy mạnh các chương trình dán nhãn để điều chỉnh hành vi tiêu dùng; triển khai, mở rộng hệ thống cơ sở y tế xanh, thông minh, bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và sự cố môi trường;Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,…) phát triển sản phẩm du lịch xanh./.

Theo dangcongsan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-tap-trung-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-kinh-te-xanh.html