TP. Hồ Chí Minh: Tiếp tục siết chặt quản lý thuế lĩnh vực giao dịch liên kết

Ý thức chấp hành pháp luật thuế của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang tăng dần qua từng năm. Mặc dù vậy, nhiều giải pháp tiếp tục được Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đặt ra nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả chống thất thu thuế lĩnh vực này.

Số lượng doanh nghiệp kê khai tăng dần

Về các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết tại TP. Hồ Chí Minh, hàng năm cơ quan thuế đều xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, phòng ngừa sai phạm; cũng như nắm được những vướng mắc, bất cập để từ đó có những giải pháp, kiến nghị kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN và góp phần hoàn thiện pháp luật.

Ông Nguyễn Thới Ánh - Trưởng Phòng Thanh tra - Kiểm tra thuế số 6 (Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ kinh nghiệm chống thất thu thuế lĩnh vực giao dịch liên kết. Ảnh: Đỗ Doãn

Ông Nguyễn Thới Ánh - Trưởng Phòng Thanh tra - Kiểm tra thuế số 6 (Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ kinh nghiệm chống thất thu thuế lĩnh vực giao dịch liên kết. Ảnh: Đỗ Doãn

Chia sẻ về tình hình quản lý các DN có giao dịch liên kết trên địa bàn, ông Nguyễn Thới Ánh - Trưởng Phòng Thanh tra Kiểm tra thuế số 6 (Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh) cho biết, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hiện đang theo dõi kê khai trên 11 nghìn DN FDI, với nhiều ngành nghề đa dạng.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và chống thất thu thuế, Luật Quản lý thuế số 38, cũng như Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã quy định chi tiết, cụ thể, góp phần củng cố hành lang pháp lý trong lĩnh vực quản lý giao dịch liên kết cũng như góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo số liệu khai thác từ hệ thống quản lý thuế tập trung thì số lượng người nộp thuế (NNT) kê khai giao dịch liên kết tại Văn phòng cục thuế tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2020 là 3.265 DN, năm 2021 là 4.202 DN. Từ những kết quả trên cho thấy, chính sách pháp luật về quản lý giao dịch liên kết, cũng như công tác quản lý thuế đã có những tác động tích cực đến ý thức tuân thủ của DN.

Mặc dù vậy, số lượng hồ sơ thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với số lượng DN có giao dịch liên kết. Cụ thể, trong ba năm 2020, 2021 và 2022, số DN có hồ sơ giao dịch liên kết bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phát hiện vi phạm lần lượt là 16, 14 và 18; với số thuế truy thu, phạt và giảm lỗ lần lượt 190 tỷ đồng, 155 tỷ đồng và 550 tỷ đồng.

Tính bình quân, số thuế truy thu và phạt trên mỗi hồ sơ khoảng từ 2,3 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh Covid-19, một số DN bị Kiểm toán Nhà nước chọn kiểm tra, thời gian thanh tra kéo dài…

Yêu cầu giải trình các giao dịch nghi vấn

Công tác quản lý DN có giao dịch liên kết tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hiện được phân công đều cho các phòng thanh tra - kiểm tra. Việc phân công như trên góp phần giảm áp lực về công tác quản lý cũng như tạo điều kiện cho nhiều công chức được tiếp cận đến lĩnh vực giao dịch liên kết.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phụ trách Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh Vũ Xuân Bách (giữa) tuyên dương công chức thuế xuất sắc năm 2022. Ảnh Đỗ Doãn

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phụ trách Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh Vũ Xuân Bách (giữa) tuyên dương công chức thuế xuất sắc năm 2022. Ảnh Đỗ Doãn

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thới Ánh, giao dịch liên kết là lĩnh vực hết sức phức tạp, nên để công tác thanh tra, kiểm tra đạt được hiệu quả cao thì công chức thuế cần được đào tạo và tiếp cận kinh nghiệm lẫn nhau, cũng như tranh thủ kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế; đồng thời, phải chú trọng hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra về giá giao dịch, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang vận hành bình thường mới sau đại dịch.

Cụ thể hơn về các giải pháp chống thất thu lĩnh vực giao dịch liên kết, ông Ánh cho rằng, cần thống kê, phân loại DN có giao dịch liên kết theo nhóm ngành nghề, quy mô… để lựa chọn các DN kê khai lỗ hoặc tỷ suất lợi nhuận thấp hơn mức bình quân chung, sau đó thông báo yêu cầu DN giải trình việc kê khai giao dịch liên kết. Với cách làm này, cơ quan thuế có thể triển khai kiểm tra nhiều DN hơn thay vì chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra tại DN như hiện nay.

‘‘Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra DN có giao dịch liên kết, cần chú trọng đến nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế tương ứng với giá trị tạo ra từ bản chất giao dịch để công nhận các chi phí giao dịch liên kết khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN tại Việt Nam…’’ - ông Ánh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thới Ánh, cần thường xuyên tổ chức đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cục thuế địa phương để nâng cao kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực giao dịch liên kết. Trong khi đó, các phòng thanh tra - kiểm tra, các chi cục thuế cũng cần báo cáo kịp thời, đầy đủ và chính xác công tác này để có cơ sở đánh giá đúng kết quả công việc chung của toàn đơn vị.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-tiep-tuc-siet-chat-quan-ly-thue-linh-vuc-giao-dich-lien-ket-121302.html