TP. Hồ Chí Minh tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

Đơn giản hóa quy trình thủ tục, cho phép chủ đầu tư phối hợp khai thác nguồn vật liệu với địa phương, xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án liên vùng, phân bổ nguồn vốn hợp lý… là những giải pháp đã được các chuyên gia nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ 3 nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công tại TP. Hồ Chí Minh.

Nghị quyết 98 cũng đóng góp rất lớn cho việc bố trí và giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh tư liệu

Nghị quyết 98 cũng đóng góp rất lớn cho việc bố trí và giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh tư liệu

Mạnh dạn vận dụng Nghị quyết 98

TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98) - cho biết, đầu tư công là một trong 3 trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng và Nghị quyết 98 là một quyết sách quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng như cả nước.

Nghị quyết 98 cũng đóng góp rất lớn cho việc bố trí và giải ngân vốn đầu tư công, như cho phép tách dự án thành 2 phần, gồm phần đền bù và xây dựng, từ đó tạm ứng ngân sách để đền bù trước nhằm giải quyết tắc nghẽn. Tuy nhiên, dự án mới được tách ra đền bù riêng, nhưng dự án dang dở chưa áp dụng được. Nếu Nghị quyết 98 và các quy định khác tiếp tục mở rộng phân cấp, phân quyền thủ tục sẽ thúc đẩy tích cực đầu tư công và huy động nguồn lực, hạ tầng xã hội.

Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 98, TP. Hồ Chí Minh đã bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời ban hành 23 danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong ngành văn hóa và thể thao...

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC), muốn góp phần tạo đột phá cho đầu tư công từ Nghị quyết 98, cần phân cấp, phân quyền rõ ràng để thành phố giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, đồng thời cần có sự khẩn trương quyết liệt hơn, mạnh dạn vận dụng Nghị quyết 98.

Như vậy, với rất nhiều ngành nghề có thể vận dụng các cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 vào quá trình hoạt động, TP. Hồ Chí Minh cần áp dụng những cơ chế đặc thù này để thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có cả các dự án giao thông kết nối với những địa phương khác.

Vẫn cần sự phối hợp của các bộ, ngành

Nhìn rộng hơn về những điểm nghẽn đầu tư công, Chủ tịch HUBA cho rằng, hiện có vướng mắc liên quan đến cơ chế quy hoạch, phê duyệt, đấu thầu và cách thức vận hành. Đồng thời, có sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và chủ đầu tư.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Các chuyên gia đề xuất, cần phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tập trung vào một đầu mối quyết định. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc xác định giá đất, điều chỉnh quy hoạch. Cần có cơ chế cho phép nhà thầu, chủ đầu tư chủ động phối hợp với địa phương khai thác nguồn vật liệu, sử dụng vật liệu mới.

Cụ thể là các dự án đầu tư công thừa tiền nhưng nghẽn do cơ chế thủ tục, quy trình, trình tự và đòi hỏi giải quyết đồng bộ. Cơ quan ban ngành cần mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận khác. Các dự án đầu tư công cần xã hội hóa để giải quyết điểm nghẽn. Tất cả thủ tục và phê chuẩn để tư nhân làm, sau khi hoàn thành chỉ cần nghiệm thu, đây có thể là cách tiếp cận trôi chảy và nhanh hơn.

Theo TS. Huỳnh Phước Nghĩa - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), Nghị quyết 98 nếu được triển khai hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư công, nhưng để đầu tư công tăng trưởng như kỳ vọng đòi hỏi rất nhiều cơ chế, chính sách, thủ tục đồng bộ từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh lân cận trong vùng Đông Nam Bộ và Trung ương. Do đó, cần có cơ chế phối hợp giữa TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành cũng như các địa phương liên quan trong quá trình triển khai dự án để Nghị quyết 98 thật sự là "công cụ sắc bén" của thành phố. "TP. Hồ Chí Minh có cơ chế đặc thù nhưng khi triển khai vẫn cần sự phối hợp của các ban, ngành trung ương" - TS Huỳnh Phước Nghĩa phân tích.

Thực tế cho thấy, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang là một trong những đơn vị giải ngân đầu tư công tốt trong nửa đầu năm nay. Ông Lê Bách Cương - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng phụ trách phía Nam, thuộc Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho hay, tính đến tháng 7/2024, ngành Giao thông đã giải ngân hơn 30.000 tỷ đồng, đạt khoảng 50% kế hoạch. Do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là yếu tố quan trọng, song cũng là khâu khó khăn nhất trong thực hiện dự án đầu tư công, nên Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có mặt bằng thực hiện dự án, đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra định kỳ lẫn đột xuất; nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu…

Theo các chuyên gia tại diễn đàn, trong công tác giải ngân đầu tư công, hiện nay quy trình thủ tục còn phức tạp, nhiều cấp, nhiều bên tham gia… trong bối cảnh, cán bộ công chức đâu đó vẫn còn tâm lý sợ sai. Đặc biệt khâu giải phóng mặt bằng, định giá đất hiện đang gặp rất nhiều khó khăn và nhạy cảm; nhiều dự án gặp khó khăn trong khâu nguyên vật liệu, nhất là về cát san lấp… thậm chí nhiều dự án khi đang triển khai còn vướng quy hoạch. Vì thế, cần phải có giải pháp để tháo gỡ những "nút thắt" này.

ÔNG NGUYỄN VĂN DŨNG - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP. HỒ CHÍ MINH: Phân cấp mạnh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Ngay từ đầu năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đã phân nguồn vốn đầu tư công hơn 79.200 tỷ đồng tới các quận, huyện, TP. Thủ Đức, các sở, ban, ngành và chủ đầu tư, nhưng qua 7 tháng mới giải ngân được hơn 12,3 nghìn tỷ đồng, đạt 15,6% kế hoạch. Chúng tôi đang nỗ lực trong thời gian còn lại của năm phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt hơn 95%, trong đó đẩy mạnh phân cấp cho quận, huyện và TP. Thủ Đức, các chủ đầu tư dự án, các ban, ngành quyết định chủ trương đầu tư và tham mưu thành phố quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung hoàn tất thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các dự án triển khai thuận lợi; đồng thời tăng cường giải quyết kiến nghị của sở, ngành, địa phương còn tồn tại; bám sát chỉ đạo của các cơ quan trung ương để tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án lớn trên địa bàn như đường vành đai 3, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường nối toàn tuyến Trần Quốc Hoàn với đường nối nhà ga T3 Tân Sơn Nhất...

ÔNG TRẦN QUANG THẮNG - VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ TP. HỒ CHÍ MINH: Ưu tiên dự án hạ tầng giao thông

Trong bối cảnh có quá nhiều dự án đầu tư công, việc lựa chọn thứ tự triển khai các dự án và chính sách có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như các dự án liên quan đến hạ tầng giao thông có thể được xem xét trước để giảm ùn tắc và cải thiện kết nối giữa các khu vực, bởi các dự án y tế, văn hóa, thể thao thường đòi hỏi nguồn lực lớn và thời gian triển khai dài hơn.

Một số dự án có tính phức tạp kỹ thuật cao nên việc chuẩn bị và thiết kế chi tiết có thể kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ cũng như kế hoạch giải ngân đầu tư công. Việc giao thêm quyền tự chủ cho TP. Hồ Chí Minh quyết định các dự án quy mô vốn lớn, mang tính đột phá sẽ giúp giải tỏa được nhiều nút thắt và đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thực hiện dự án…

Doãn Thiệu

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-tim-giai-phap-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-dau-tu-cong-157817-157817.html