Tp. Hồ Chí Minh tìm hướng tăng trưởng trong dài hạn

Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh đang trên đà phục hồi nhưng chưa bền vững và đối mặt với không ít thách thức cả về khách quan và nội tại.

Tọa đàm “Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi và thách thức”. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Tọa đàm “Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi và thách thức”. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm “Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh phục hồi và thách thức” do Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh và Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 29/7.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả kinh tế - xã hội nửa đầu năm 2024 cho thấy các chỉ số kinh tế của thành phố đang trên đà phục hồi; trong đó có một số chỉ số tích cực như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, thu ngân sách…Tuy nhiên, xét về tổng thể và so sánh với giai đoạn trước COVID-19, sự tăng trưởng đó chưa bền vững và kinh tế thành phố vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức.

Cụ thể, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp nhưng song song đó cũng có rất nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên từ tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu xanh hóa sản xuất buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Thêm vào đó, sau đại dịch, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khủng hoảng mới từ xung đột, lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng bị thu hẹp, xuất khẩu khó khăn.

Trong nước, kinh tế Tp. Hồ Chí Minh sau thời kỳ phát triển nhanh đang dần giảm nhịp độ. Tỷ lệ đóng góp của thành phố vào tổng GRDP, số thu ngân sách, xuất khẩu cả nước giảm dần. Các lợi thế vượt trội trong thu hút đầu tư ngày càng ít khi phải cạnh tranh với nhiều tỉnh, thành khác trong khi quỹ đất ngày càng thu hẹp và chi phí ngày càng tăng.

Tiến sĩ Hồ Hoàng Anh, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh và Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, nửa đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và đạt được mức tăng trưởng tương đối cao so với dự báo, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng là Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh thuận lợi này, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP tương đối cao so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự phục hồi ổn định của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ. Xuất khẩu là một yếu tố đóng góp vào sự phục hồi của tổng cầu. Tuy nhiên, tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp tiêu dùng nội địa) vẫn chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ so với trước dại dịch COVID-19.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Tp. Hồ Chí Minh cũng đạt được mức tăng trưởng GRDP tương đối cao; trong đó, khu vực dịch vụ đang có mức tăng trưởng cao và ổn định nhất, theo sau là công nghiệp. Ngược lại, lĩnh vực xây dựng vẫn còn tăng trưởng khá khiêm tốn. Tốc độ hồi phục của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đến từ tiêu dùng, tiếp đến là xuất khẩu; trong đó, tiêu dùng trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng trưởng nhỉnh hơn cả nước, còn xuất khẩu lại tăng trưởng tương đối thấp hơn cả nước.

Đáng chú ý, nhiều chỉ số cho thấy các doanh nghiệp nội địa tại Tp. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu hồi phục vững chắc. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 33.824; trong khi đó, tổng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể là 22.462. Như vậy số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ròng (bằng số doanh nghiệp thành lập mới cộng số doanh nghiệp quay lại hoạt động trừ số doanh nghiệp tạm ngưng có thời hạn và số doanh nghiệp giải thể) thực tế tăng trưởng khiếm tốn. Thêm vào đó, quy mô vốn của các doanh nghiệp mới thành lập cũng ngày càng nhỏ lại.

Theo nhóm nghiên cứu, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn dự báo và mặt bằng lãi suất trong nước xuống khá thấp trong 6 tháng đầu năm 2024, việc các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu gặp khó khăn cần được phân tích, đánh giá một cách đầy đủ hơn. Song có thể do một số nguyên nhân như nhu cầu của thị trường vẫn chưa tăng trưởng mạnh, kết hợp với môi trường kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều rủi ro và bất định khiến các doanh nghiệp nội địa trì hoãn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân thứ hai là tình hình nợ xấu có chiều hướng gia tăng khiến các ngân hàng khắt khe hơn với các tiêu chuẩn cho vay nhằm bảo toàn thanh khoản phòng ngừa cho các biến cố trong hệ thống. Các doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Mặt khác, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi mặt bằng lãi suất xuống thấp.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, những tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả các nền kinh tế này đều đang phải đối mặt với các vấn đề khó khăn riêng và chưa thực sự đi vào quỹ đạo hồi phục một cách vững chắc. Vì thế rủi ro và bất ổn vẫn có thể xảy ra, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Trước thực tế đó, Tp. Hồ Chí Minh cần nhanh chóng kích cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa. Nhóm chính sách này vừa giúp tổng cầu hồi phục nhanh hơn và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, qua đó giảm thiểu tính chu kỳ của nền kinh tế trước những biến động của nền kinh tế thế giới. Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 7,5 -8% trong năm 2024, Tp. Hồ Chí Minh cần quyết liệt hơn với các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, đặc biệt là các chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Quan trọng hơn cả con số tăng trưởng năm 2024, Tp. Hồ Chí Minh cần phải tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa. Đây là yếu tố then chốt giúp thành phố nâng cao tốc độ tăng trưởng một cách bền vững hơn trong trung hạn.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh, thông tin tăng trưởng kinh tế - xã hội Tp. Hồ Chí Minh nửa đầu năm 2024 là kết quả việc triển khai đồng bộ các biện pháp kích thích cả tổng cung và tổng cầu. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn chưa đúng nhịp độ mong muốn dù tăng mạnh về giá trị tuyệt đối. Thực tế đầu tư công của thành phố trong hai năm qua đều ì ạch ở quý I, quý II và chỉ chạy nước rút ở quý cuối của năm nên không đạt chỉ tiêu.

Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, vấn đề tăng trưởng của

Tp. Hồ Chí Minh không chỉ nằm ở con số mục tiêu của năm 2024 mà phải nhìn xa hơn, dài hơi hơn. Mặc dù 2 năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của thành phố có phần “trầm lắng” nhưng cũng là giai đoạn hệ thống cơ sở hạ tầng mới tại Tp. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh, tạo nền tảng để kinh tế khu vực chuyển mình những năm tới. Song song với hạ tầng cứng cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ Tp. Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh phát triển hạ tầng số với 4 trung tâm dữ liệu đang được đề xuất đầu tư nhằm tạo nguồn lực cho doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tp-ho-chi-minh-tim-huong-tang-truong-trong-dai-han/341988.html