TP Hồ Chí Minh: Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế trong bối cảnh mới

Với ý tưởng 'ấp ủ' hơn 20 năm nay, việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh tạo lập cực tăng trưởng mới.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong bối cảnh phát triển mới, Chính phủ xác định Việt Nam chỉ có một trung tâm tài chính quốc tế, với khung chính sách duy nhất và được đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Với ý tưởng “ấp ủ” hơn 20 năm nay, việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh tạo lập cực tăng trưởng mới trong bối cảnh sáp nhập địa giới hành chính sắp tới và những ảnh hưởng không mong muốn từ căng thẳng thuế quan toàn cầu.

Dư địa phát triển mới

Nói về lợi thế khi xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam, các ý kiến đều thống nhất rằng Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương nổi trội để thực hiện mục tiêu này. Trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò là “đầu tàu” kinh tế của cả nước khi sở hữu nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây là trung tâm thương mại-dịch vụ-tài chính lớn nhất Việt Nam, nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Các định chế tài chính lớn đang đặt trụ sở dọc các tuyến đường chính ở quận 1 như Nguyễn Huệ, Tôn Thất Đạm, Tôn Đức Thắng…, tạo thành một khu kinh tế-dịch vụ sầm uất và là điểm nhấn của Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang sở hữu những thiết chế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán, hạ tầng ngân hàng số và các ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) đã được vận hành một cách bài bản, trong đó Fintech được dự báo sẽ làm thay đổi cuộc chơi của các Trung tâm tài chính quốc tế trên toàn thế giới. Điều này gợi ý về việc phát triển một Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam, với Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến lý tưởng để triển khai, khi phần lớn các doanh nghiệp Fintech hiện nay đều quy tụ ở đây.

 Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước được đưa vào xếp hạng danh sách chính thức các trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI). (Nguồn: TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước được đưa vào xếp hạng danh sách chính thức các trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI). (Nguồn: TTXVN)

Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước được đưa vào xếp hạng danh sách chính thức các trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI).

Trong báo cáo xếp hạng GFCI lần thứ 37 (tháng 3/2025), Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ tăng 7 bậc so với năm ngoái, đứng thứ 98 trong 119 thành phố xếp hạng. Đây cũng là thứ hạng cao nhất kể từ khi Thành phố Hồ Chí Minh được vào xếp hạng các trung tâm tài chính của GFCI năm 2022.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài vị trí địa lý chiến lược, thị trường tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có những kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Tokyo... thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại.

“Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và trong tương lai là sân bay Long Thành cùng các cảng biển lớn xung quanh là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái tài chính toàn cầu," ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng định hướng xây dựng “phần cứng” cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), bên kia sông đối diện Khu phố tài chính hiện hữu quận 1. Khu đô thị mới này tạo cơ hội phát triển hệ sinh thái hơn nữa và giúp Thành phố Hồ Chí Minh tăng khả năng thu hút nhân tài quốc tế, và phát triển các dịch vụ tài chính có tính sáng tạo.

 Cầu Sài Gòn và Đại lộ Võ Nguyên Giáp kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cầu Sài Gòn và Đại lộ Võ Nguyên Giáp kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đặc biệt, việc sáp nhập địa giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh với Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương sắp tới cũng mang lại không gian phát triển mới cho trung tâm tài chính quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh. Dù có nhiều thách thức đặt ra, nhưng với mô hình một siêu đô thị hiếm có sẽ mang lại cho Thành phố Hồ Chí Minh nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh đang có những yếu tố phù hợp để thực hiện giấc mơ trở thành Trung tâm tài chính quốc tế. Đặc biệt sau khi sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trụ cột về công nghiệp, cụm khu công nghiệp với trọng tâm là Bình Dương; cảng biển, du lịch, logistics có khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu kết hợp Cần Giờ; từ đó thúc đẩy trụ cột thương mại, tài chính ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây sẽ là cực tăng trưởng mới cho Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới, thúc đẩy đất nước vươn mình trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác về Trung tâm tài chính quốc tế của tổ chức TheCityUK, đơn vị từng lập báo cáo tư vấn cho Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng chia sẻ, lịch sử các trung tâm tài chính trên thế giới đều đi từ việc sở hữu nền sản xuất thực chất, tức các hỗ trợ của trung tâm tài chính phải gắn liền với hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế của địa phương.

Do đó, việc sáp nhập địa giới hành chính sắp tới của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo thành “tam giác vàng” nơi tài chính gắn liền với sản xuất, logistics, cảng biển. Đó sẽ là một trung tâm tài chính quốc tế “sống” cùng mạch đập của nền kinh tế thực, có hàng hóa, dịch vụ; có công nghệ, nhà máy…

Những việc có thể làm ngay

Những căng thẳng liên quan đến thương mại thuế quan gần đây đang đặt nền kinh tế toàn cầu trước nhiều thách thức mới. Nền kinh tế Việt Nam với độ mở cao và Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước cũng sẽ là nơi chịu tác động trực tiếp và rõ ràng nhất. Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia cho rằng, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế có thể chịu ảnh hưởng nhất định, nếu căng thẳng thương mại kéo dài.

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phúc Sinh đề xuất có thể xây dựng ngay một sàn giao dịch hàng hóa đủ tầm quốc tế ngay tại trung tâm tài chính quốc tế.

Theo ông Thông, sàn giao dịch hàng hóa sẽ là một phần của trung tâm tài chính, xây dựng từ cơ sở lợi thế hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, để nâng tầm, thu hút được dòng tiền, giá trị giao dịch, phải sẵn sàng chú trọng đào tạo nhân sự ngay từ bây giờ cũng như phải dựa vào kinh nghiệm lẫn thất bại của một số quốc gia.

 Đô thị trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nằm yên bình bên sông Sài Gòn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đô thị trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nằm yên bình bên sông Sài Gòn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hiện Việt Nam cũng đang có các sàn giao dịch hàng hóa nhưng quy mô khiêm tốn. Singapore từng có tham vọng xây dựng sàn giao dịch hạt tiêu, điều nhưng sau cùng vẫn thất bại; trong khi đó, sàn giao dịch hàng hóa ở Ấn Độ thu hút được rất nhiều dòng vốn quốc tế, giao dịch trên toàn cầu… là những ví dụ.

“Nhiều lợi ích hỗ trợ cho các doanh nghiệp từ sản xuất đến xuất nhập khẩu, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tài chính, tổ chức trung gian… khi có sàn giao dịch. Không có “liều thuốc tiên” hiệu dụng ngay với các chính sách hỗ trợ nhưng sàn giao dịch lại là “cái túi thần kỳ” giúp doanh nghiệp chủ động, thậm chí có thể tham gia điều tiết dòng chảy hàng hóa của toàn cầu. Tác động thuế quan đối với hàng hóa giao dịch qua sàn sẽ giảm đáng kể khi dòng chảy từ đây đi khắp thế giới, chứ không phụ thuộc vào một thị trường nhất định," ông Thông cho biết.

Để thu hút và duy trì dòng vốn đầu tư quốc tế, cũng như tạo dựng uy tín cho trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất xây dựng các sản phẩm tài chính mới, bao gồm các mô hình như sàn giao dịch tiền số thử nghiệm; sàn giao dịch gọi vốn cho các startup thông qua ICO; sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung, sẽ là những công cụ hữu hiệu để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số và tài chính phi tập trung đang phát triển mạnh mẽ.

Theo vị chuyên gia này, việc triển khai những sản phẩm trên sẽ tạo ra một hệ sinh thái tài chính linh hoạt, an toàn và hiện đại; đồng thời mở rộng khả năng kết nối với các thị trường tài chính quốc tế, giúp trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường sự hấp dẫn và nâng cao vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Dự kiến, Nghị quyết về Trung tâm tài chính Việt Nam sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tháng 5/2025. Trong khi chờ đợi khung pháp lý và các giải pháp mang tầm quốc gia, các chuyên gia khuyến nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện những bước đi mạnh mẽ và quyết đoán để thúc đẩy quá trình triển khai các hoạt động cần thiết.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho trung tâm tài chính quốc tế là cực kỳ quan trọng, bao gồm các hạ tầng phục vụ cho hoạt động tài chính quốc tế như hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, hạ tầng giao thông, và hạ tầng văn hóa xã hội. Đây là nền tảng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tài chính quốc tế diễn ra hiệu quả và nhanh chóng. Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu và xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu hút các chuyên gia tài chính quốc tế…

Các chuyên gia cũng cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch triển khai các thể chế chính sách sau khi Quốc hội thông qua.

Thành phố cần có những chính sách thu hút các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới, thu hút nhân lực cao cấp tài chính toàn cầu và xây dựng các quy chế hoạt động rõ ràng và minh bạch. Điều này sẽ tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, khuyến khích các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế tham gia vào trung tâm tài chính quốc tế… từ đó, hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh xác lập cực tăng trưởng mới trong thời gian tới./.

Bài 3: Sức bật từ hạ tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tp-ho-chi-minh-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-trong-boi-canh-moi-post1036295.vnp