TP Hồ Chí Minh: Xử phúc thẩm vụ thiệt hại tại khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn
Ngoài bị cáo Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài kháng cáo xin giảm án, các bị cáo khác cũng kháng cáo với lý do tương tự. Riêng bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (SN 1979, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Lavenue) kêu oan.
Thiệt hại 1.927 tỷ hay chỉ hơn 252 tỷ đồng?
Sáng 29/11, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại khu đất 8-12 Lê Duẩn.
Phiên tòa được mở do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thành Tài (SN 1952, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) xin giảm án và xin miễn trách nhiệm hình sự, đồng thời đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
Còn bị cáo Lê Thị Thanh Thúy kêu oan với lý do cấp tòa sơ thẩm không có chứng cứ vật chất để xác định bị cáo xúi giục hay tác động ông Tài sai phạm. Việc bà tham gia thực hiện dự án từ nhu cầu thực tế của công ty, và phù hợp với chủ trương của thành phố.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cũng làm rõ số tiền Nhà nước bị thiệt hại hơn 252 tỷ đồng như cấp sơ thẩm đã tuyên hay thiệt hại 1.927 tỷ đồng như kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP Hồ Chí Minh?
Theo bản án sơ thẩm, thực hiện quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Trên cơ sở đề xuất của Ban Chỉ đạo 09, UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất chủ trương xây dựng khách sạn 5 sao và một phần Trung tâm thương mại tại khu đất 8-12 Lê Duẩn, diện tích 4.896,3m2.
UBND thành phố cũng giao cho Công ty Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố (Công ty QLKD nhà) thanh lý hợp đồng cho thuê đối với 4 công ty thuộc Bộ Công thương: Công ty CP Kim khí thành phố, Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Hóa chất vật liệu điện thành phố, Công ty CP Xăng dầu Vitaco (Nhóm 4 Công ty).
Ngày 5/2/2008, UBND thành phố có công văn giao cho Công ty CP Hòn ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư dự án (Gồm các cổ đông là các công ty 100% vốn Nhà nước: Công ty QLKD nhà; Công ty Vàng bạc đá quý thành phố; Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn).
Ngày 13/3/2008, UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi khu đất 8-12 Lê Duẩn, nhưng Nhóm 4 Công ty không thực hiện, liên tục khiếu nại để xin mua nhà, đất theo chỉ định hoặc được tham gia dự án, nhưng UBND thành phố không chấp nhận.
Sau khi kế thừa nhiệm vụ phải hoàn chủ trương thực hiện dự án 8-12 Lê Duẩn từ ông Nguyễn Hữu Tín lúc đó là Phó Chủ tịch UBND thành phố (Hiện đang thụ án tù) là không thông qua đấu thầu, cho liên doanh liên kết và đã được ông Lê Hoàng Quân (Thời điểm đó là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) phê duyệt.
Ông Nguyễn Thành Tài ký nhiều công văn trái pháp luật
Ngày 6/10/2009, ông Tài ký công văn chấp thuận chủ trương cho Công ty QLKD nhà liên doanh với Nhóm 4 Công ty để thực hiện dự án. Sau đó, ông Tài chỉ đạo Công ty QLKD nhà làm chủ đầu tư dự án, góp vốn 50% đứng tên thuê đất Nhà nước theo giá thị trường, còn Nhóm 4 Công ty góp 50%. Do thay đổi chủ trương dự án, nên Công ty CP Hòn ngọc Viễn Đông giải thể.
Ngày 23/7/2010, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Giám đốc Công ty QLKD nhà (Đã bỏ trốn) đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh cho thành lập công ty cổ phần để huy động vốn thực hiện dự án và được ông Tài chấp thuận. Khi được ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giới thiệu gặp bà Thủy để tham gia dự án, bà Lê Thị Thanh Thúy đã ký công văn gửi Công ty QLKD nhà để giới thiệu Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm của mình có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn… xin được tham gia dự án.
Sau đó vào ngày 11/8/2010, bà Thủy có công văn đề xuất cho Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm góp 30% trong số 50% của Công ty QLKD nhà. Từ đây, ông Tài ký nhiều văn bản trái luật, không đúng đối tượng, trái với Quyết định 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định 140/2008/QĐ của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, ông Tài còn chấp thuận áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng một dự án, chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Lavenue thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn mà không giao cơ quan chức năng thẩm định giá trị còn lại, làm thiệt hại 4,7 tỷ đồng.
Các ông Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở TN&MT); Trương Văn Út (SN 1970, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất - Sở TN&MT); Nguyễn Hoài Nam (SN 1965, nguyên Bí thư Quận ủy quận 2) dù biết hồ sơ dự án không đủ, chưa được phê duyệt, chưa thẩm định…, nhưng vẫn tham mưu, đề xuất cho ông Tài ký hàng loạt quyết định vi phạm pháp luật.
Bản án sơ thẩm nhận định thiệt hại trong vụ án này hơn 252 tỷ đồng, tính từ thời điểm giao đất và cho thuê đất vào năm 2011, chứ không phải hơn 1.927 tỷ đồng như cáo trạng truy tố. Do đó, tuyên giao UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện thu hồi, quản lý sử dụng toàn bộ khu đất 8-12 Lê Duẩn, Công ty CP Đầu tư Lavenue có trách nhiệm nộp lại bản chính các giấy chứng nhận QSDĐ của khu đất trên.
Án sơ thẩm tuyên tịch thu nhiều trăm tỷ đồng
Về trách nhiệm dân sự, án sơ thẩm tuyên các bị cáo phải nộp lại số tiền 4,7 tỷ đồng thiệt hại khi tháo dỡ căn nhà ở số 12 Lê Duẩn. Số tiền này chia đều cho 5 bị cáo, mỗi người phải nộp hơn 955 triệu đồng.
Đối với số tiền hơn 647 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư Lavenue đã nộp vào ngân sách sau khi được giao và thuê đất, án sơ thẩm tuyên trả lại cho Công ty CP Đầu tư Lavenue hơn 126 tỷ đồng là tiền góp vốn để công ty này trả lại cho Công ty QLKD nhà; Trả lại hơn 315,6 tỷ đồng để Công ty CP Đầu tư Lavenue trả lại cho Công ty TNHH Đầu tư Kido 200 tỷ đồng; Tịch thu sung công quỹ hơn 189,4 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm dùng để góp vốn vào Công ty CP Đầu tư Lavenue.
Buộc Nhóm 4 Công ty phải nộp lại mỗi công ty 50 tỷ đồng để sung quỹ Nhà nước. Vì số tiền này do thu lợi bất chính từ việc chuyển nhượng cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư Kido trước đó. Giải tỏa kê biên 2 tài sản là nhà đất của bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, vì gia đình bị cáo đã nộp tạm ứng để khắc phục 1,9 tỷ đồng. Đối với các tài sản đã kê biên của các bị cáo Kiệt, Nam và Út tiếp tục kê biên 50% tài sản để bảo đảm thi hành án.
Bản án sơ thẩm cũng nhận định ông Lưu Văn Thăng, Nguyễn Khắc Thám, Nguyễn Minh Xuân, Nguyễn Đình Hiền là những người đại diện Nhóm 4 Công ty; Ông Trần Kim Thành (Tổng Giám đốc Công ty Kinh đô) và Trần Lệ Nguyên (Cổ đông sáng lập Công ty Kinh đô). Các ông Thăng, Thám, Xuân và Hiền đều thừa nhận việc 4 Công ty có kiến nghị được mua chỉ định, ưu tiên chọn làm chủ đầu tư dự án tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn là không có căn cứ.
Nhóm 4 Công ty đều không có năng lực tài chính, chưa từng thực hiện dự án bất động sản nào, việc gửi văn bản kiến nghị tham gia dự án nhằm mục đích đòi quyền lợi, chính sách đền bù khi UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi khu đất. Kết quả điều tra không chứng minh được các ông Thăng, Thám, Xuân, Hiền, Thành và Trần Lệ Nguyên bàn bạc, thỏa thuận với bị cáo Nguyễn Thành Tài và đồng phạm nên không có căn cứ xử lý hình sự.
Bản án sơ thẩm ngày 20/9/2020 của TAND TP Hồ Chí Minh xử phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài 8 năm tù vì giữ vai trò chính; Đào Anh Kiệt 5 năm tù, tổng hợp với bản án khác thành 11 năm 6 tháng; Trương Văn Út 3 năm, tổng hợp bản án khác thành 8 năm tù; Nguyễn Hoài Nam 4 năm tù; Lê Thị Thanh Thúy bị tuyên 5 năm tù.