TP. Thái Bình mãi khắc ghi những năm tháng hào hùng
Lịch sử hình thành và phát triển của TP. Thái Bình luôn đồng hành với lịch sử đấu tranh cách mạng anh dũng, quật cường của dân tộc. Những năm tháng đấu tranh gian khổ đã hun đúc nên một đô thị anh hùng, giàu bản sắc hôm nay.

Đền thờ Bác Hồ và tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam trên quảng trường Thái Bình là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt
Đây chính là nền tảng vững chắc, là nguồn sức mạnh để các phường, xã của Thành phố thực hiện sáp nhập tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
TP. Thái Bình (tiền thân là thị xã Thái Bình) là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng. Đây cũng là nơi tiếp thu ánh sáng cách mạng vô sản sớm nhất, góp phần đào tạo, huấn luyện nhiều chiến sĩ trung kiên cho phong trào cách mạng. Ngay sau khi thành lập Đảng bộ Cộng sản Thái Bình, ngày 30/6/1929, Chi bộ thị xã Thái Bình được thành lập, đây là một trong 6 chi bộ đầu tiên của tỉnh.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang Thành phố cùng nhân dân đã lập nhiều chiến công trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng TP. Thái Bình ngày 30/6/1954.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, TP. Thái Bình vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba... Nhiều phường, xã, đơn vị, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng nhiều huân chương, huy chương cao quý.
Đặc biệt, năm 2024, kỷ niệm 70 năm Giải phóng thị xã, 20 năm thành lập thành phố, TP. Thái Bình vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố tiếp tục vừa sản xuất, vừa chiến đấu, tích cực xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho tiền tuyến với tinh thần tất cả hướng về miền Nam ruột thịt, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhân dân Thành phố đã tiễn trên 14.000 người con thân yêu lên đường bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, Thành phố ghi công 1.960 anh hùng liệt sỹ, 1.659 thương binh, bệnh binh, nhiều người đến nay còn mang trong mình thương tích, bệnh tật, di chứng chiến tranh.
Phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu
Hòa vào dòng chảy của lịch sử, nhìn lại chặng đường 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là giai đoạn 20 năm phát triển và hội nhập, TP. Thái Bình đã có sự phát triển vượt bậc và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Sau hơn 20 năm thành lập, diện tích của Thành phố đã lên tới gần 7.000 ha, dân số trên 218.000 người, với 19 đơn vị hành chính, gồm 10 phường (Bồ Xuyên, Kỳ Bá, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Tiền Phong, Trần Lãm, Hoàng Diệu, Phú Khánh, Lê Hồng Phong, Đề Thám) và 9 xã (Phú Xuân, Tân Bình, Vũ Phúc, Vũ Chính, Vũ Lạc, Vũ Đông, Đông Mỹ, Đông Hòa, Đông Thọ).
Trước năm 2000, kinh tế của TP. Thái Bình chưa tương xứng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Quy mô sản xuất còn nhỏ bé, thiết bị công nghệ còn lạc hậu, thiếu lao động tay nghề cao và cán bộ quản lý giỏi; chưa có những ngành, sản phẩm mũi nhọn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm; thu hút đầu tư trong và ngoài nước hạn chế; tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn thấp; việc xử lý rác, chất thải chưa triệt để. Quy hoạch, kiến trúc còn manh mún, quản lý đô thị, thương mại - dịch vụ còn nhiều bất cập.
Sau hơn 20 năm, TP. Thái Bình đã phát triển khá nhanh và toàn diện. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá cao, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng, nông nghiệp giảm. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất đạt 54.646 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt trên 3.610 tỷ đồng, hoàn thành 112,3% dự toán. Số lượng doanh nghiệp tại Thành phố vượt mốc 4.000, chiếm 40% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ với tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm hơn 76%, dịch vụ 22%, nông nghiệp giảm còn 1,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh với 1,46 tỷ USD.
Môi trường đầu tư, kinh doanh của TP. Thái Bình tiếp tục được cải thiện, thu hút được nhiều nhà đầu tư. Thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Không gian đô thị được mở rộng, diện mạo đô thị đổi mới nhanh, nếp sống văn minh đô thị ngày càng rõ nét. TP. Thái Bình đã được Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mang tính đột phá. Dấu ấn nổi bật là các khu, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng bài bản, như khu công nghiệp Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Sông Trà, Gia Lễ cùng các cụm công nghiệp Phong Phú, Trần Lãm, Hoàng Diệu... tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Đây cũng là giai đoạn các khu đô thị mới hiện đại, khang trang được đầu tư xây dựng, như Khu đô thị Trần Hưng Đạo, Khu đô thị Petro Thăng Long, dự án đại lộ Kỳ Đồng, Khu đô thị phức hợp Thái Bình Dragon City, DragonHomes Eco City. Ngoài ra, còn có dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp phường Lê Hồng Phong, dự án nhà ở xã hội phường Quang Trung.
Thành phố đã xây dựng nhiều công trình văn hóa như quảng trường Thái Bình, đền thờ Bác Hồ, tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, đền thờ Liệt sĩ tỉnh Thái Bình, Bảo tàng tỉnh Thái Bình, Thư viện tỉnh Thái Bình... Trên địa bàn Thành phố đã hình thành các khu vui chơi giải trí, dịch vụ - thương mại như công viên nước, trung tâm thương mại Vincom, GO; các khách sạn như
Selegend, Petro, Dream, SOJO; công viên cây xanh cũng được quan tâm đầu tư, như công viên Lê Quý Đôn, Kỳ Bá, 30/6, công viên sinh thái Hoàng Diệu, hồ Ty Rượu...
Hệ thống giao thông của Thành phố được mở rộng, nối dài với nhiều tuyến đường mới như vành đai phía Nam, đường Võ Nguyên Giáp, đường Kỳ Đồng kéo dài, đường Lê Quý Đôn, đường Chu Văn An kéo dài... cùng những cây cầu hiện đại bắc qua sông Trà Lý. Hệ thống cây xanh đô thị được phủ xanh tại hầu hết các tuyến phố như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng...
Chất lượng y tế, giáo dục của TP. Thái Bình được nâng cao. Nhiều năm liên tục, Thành phố dẫn đầu phong trào giáo dục toàn tỉnh. Các thiết chế văn hóa được quan tâm, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển rộng khắp, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, động lực cho sự phát triển. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quản lý, điều hành của chính quyền có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hơn. Bộ máy hành chính được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, Thành phố liên tục dẫn đầu về Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, sở, ngành. Công tác chuyển đổi số được đẩy mạnh, nhanh chóng đưa các tiện ích thông minh vào đời sống.
Đây chính là nền tảng vững chắc, nguồn sức mạnh để các phường, xã của TP. Thái Bình thực hiện sáp nhập, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo xây dựng các phường, xã phát triển toàn diện, nối tiếp truyền thống đầu tàu của TP. Thái Bình,
góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đi lên của quê hương, đất nước, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tp-thai-binh-mai-khac-ghi-nhung-nam-thang-hao-hung-d275555.html