TP Thanh Hóa: Nhiều bất cập tại các khu công nghiệp
3 khu công nghiệp (KCN) có quy mô lớn của TP Thanh Hóa đi vào hoạt động từ nhiều năm nay nhưng vẫn tồn tại một số bất cập trong công tác bảo vệ môi trường. Thậm chí, tại KCN Tây Bắc Ga, hệ thống xử lý nước thải tập trung vẫn chưa đi vào hoạt động, làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân xung quanh.
Thực trạng bất cập tại các KCN
Theo tìm hiểu của PV, KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga (KCN Tây Bắc Ga) sau nhiều lần điều chỉnh, mở rộng có diện tích khoảng 202,57ha, đã thu hút được 253 dự án, trong đó có 248 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 3.553,36 tỷ đồng (vốn thực hiện đạt 2.418,25 tỷ đồng) và 5 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 13,77 triệu USD (vốn thực hiện đạt 11,57 triệu USD). Tổng diện tích đất đã cấp cho các doanh nghiệp là 118 ha với 202 dự án đang hoạt động. Tổng giá trị sản xuất năm 2017 đạt 4.904 tỷ đồng, nộp ngân sách 344 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 7.171 lao động.
Tuy đã đi vào hoạt động gần 20 năm nay nhưng điều kỳ lạ là vấn đề xử lý nước thải tập trung cho KCN này lại bị “bỏ quên”. Theo quy hoạch được phê duyệt, KCN Tây Bắc Ga được bố trí 01 trạm xử lý nước thải tập trung cho các doanh nghiệp, nhà máy trong KCN có công suất gần 2.000m3 ngày/đêm với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm xây dựng, đến nay trạm xử lý nước thải này vẫn “nằm im” và không được sử dụng, dẫn đến công trình ngày càng xuống cấp, gây lãng phí cũng như không đảm bảo sự đồng bộ, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn trong quy hoạch. Do trạm xử lý nước thải chưa đi vào hoạt động, nên một số doanh nghiệp trong KCN Tây Bắc Ga có sử dụng hóa chất, cũng như có nước thải công nghiệp phải tự xử lý nước thải và xả thải trực tiếp ra các mương, kênh hoặc sông gần KCN này. Điều này dẫn đến việc khó giám sát, cũng như kiểm tra việc đảm bảo an toàn trong quá trình xử lý chất thải.
Nhiều nhà máy trong KCN này đã đi vào hoạt động với công suất lớn, nhưng nguồn nước thải chưa được xử lý triệt để dẫn đến nhiều khối nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu, không đảm bảo an toàn vẫn chảy thẳng ra mương trong KCN.
Còn tại KCN Lễ Môn, các xe tải chở vật liệu, thành phẩm ra vào nhà máy của Cty CP Đầu tư Phát triển Vicenza (Cty Vicenza, sản xuất gạch ốp lát) đã gây ra nhiều bụi, bẩn cho người dân xung quanh. Cùng với đó, bãi tập kết nguyên liệu đất của công ty này để ngay khu dân cư khiến cho đường xá lầy lội, trơn trượt mỗi khi trời mưa và bụi bặm khi trời nắng.
Bên cạnh đó là mùi hôi nồng nặc bốc lên từ nhà máy của Cty CP Nông sản Phú Gia (chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi), gây ra cảm giác khó chịu, buồn nôn cho bà con xung quanh.
Khu vực vỉa hè ngã ba đường Bạch Đằng giao QL47 Công ty Vicenza còn có trình trạng tập kết số lượng lớn hàng hóa. Hàng loạt xe vận tải cỡ lớn nối nhau xếp hàng chờ bốc chuyển hàng hóa trên lòng đường gây mất an toàn giao thông.
Bao giờ mới xử lý?
Trả lời về về tình trạng “đắp chiếu” trạm xử lý nước thải của KCN Tây Bắc Ga, đại diện Cty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh (đơn vị trực tiếp thi công, xây dựng) cho biết: “Công trình này được xây dựng từ năm 2004 đến năm 2007 thì cơ bản hoàn thành, nhưng còn thiếu 01 đoạn ống B4 đến trạm bơm tăng áp do vướng giải phóng mặt bằng. Do vậy, năm 2016, Ban quản lý
Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (BQL Nghi Sơn) đã phê duyệt phương án thi công đoạn đường dẫn nước tại vị trí mới. Sau 1 năm thi công thì đường ống dẫn nước hoàn thành và trạm xử lý nước thải chạy thử nghiệm. Tuy nhiên, do BQL Nghi Sơn vẫn chưa bố trí đường điện cho trạm xử lý nước thải và nghiệm thu công trình nên đến nay, công trình này vẫn chưa đi vào hoạt động.
Công trình bỏ không trên 10 năm nay nên một số hạng mục đã xuống cấp và hư hỏng. Phía công ty đã tốn rất nhiều chi phí để sửa chữa thay thế. Công ty cũng đã nhiều lần đề nghị các cấp, ban ngành xúc tiến bàn giao đưa trạm xử lý nước thải vào hoạt động đồng thời thanh toán giá trị cho công ty. Nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Dũng – Phó Trưởng BQL Nghi Sơn cho biết: “KCN Tây Bắc Ga được hợp thành từ KCN Đình Hương và KCN Tây Bắc Ga. Nhưng do KCN Đình Hương không có chủ đầu tư hạ tầng, hệ thống các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện chiếu sáng, khu xử lý nước thải… nên các doanh nghiệp tại KCN Đình Hương tự đầu tư hạ tầng, đấu nối điện, nước, xử lý nước thải nội bộ và xả thải ra sông Cầu Hạc.
KCN Tây Bắc Ga do UBND TP Thanh Hóa làm Chủ đầu tư hoạt động từ năm 2003 và bàn giao lại cho Ban quản lý năm 2011; theo số liệu bàn giao có 3 hạng mục đang còn dang dở bao gồm: Trạm xử lý và thu gom nước thải, đền bù lô số 4, san nền lô L (D6-D9). Đối với 03 hạng mục dở dang nhận bàn giao từ UBND TP: Phần Trạm bơm tăng áp và trạm xử lý nước thải, Ban đã chỉ đạo Công ty Bình Minh sữa chữa các hạng mục hư hỏng phần xây dựng, lắp đặt phần thiết bị, đã tiến hành chạy thử, chưa nghiệm thu và đang chờ để bàn giao đưa vào sử dụng; Phần đường ống thu gom: Ban đã chỉ đạo Cty Bình Minh lắp đặt, hoàn thiện hệ thống đường ống thu gom nước thải đấu nối vào trạm bơm tăng áp. Thời gian tới, sau khi trạm xử lý nước thải được đưa vào hoạt động sẽ yêu cầu tất cả các doanh nghiệp đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.
Việc hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Tây Bắc Ga chưa đi vào hoạt động, cũng như việc nước thải của các doanh nghiệp gần 20 năm nay chưa được xử lý khiến cho các mương, kênh, sông gần KCN ngày càng trở nên đen đặc. Tình trạng này phải chăng là do các ban ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa và BQL Nghi Sơn chưa làm tròn trách nhiệm của mình?