TP Thanh Hóa qua các thời kỳ mở rộng địa giới hành chính
Được hình thành trên vùng đất của người Việt cổ cách nay hàng chục vạn năm, là vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi, nằm trên huyết mạch giao thông Bắc - Nam, cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, qua các thời kỳ phát triển, Thành phố Thanh Hóa ngày càng được mở rộng, thể hiện rõ vai trò là trung tâm động lực của tỉnh Thanh Hóa và của vùng.
TP Thanh Hóa ngày nay được hình thành từ năm 1804, khi vua Gia Long ra chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hóa từ làng Dương Xá (xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, nay là phường Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa) về làng Thọ Hạc (huyện Đông Sơn, nay là TP Thanh Hóa) và đặt tên là Hạc Thành.
Đến ngày 22/7/1889, vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Thanh Hóa, trên cơ sở 7 làng: Đức Thọ Vạn, Cẩm Bào Nội, Cốc Hạ, Phủ Cốc (thuộc tổng Bố Đức, huyện Đông Sơn); Thọ Hạc, Đông Phố, Nam Phố (thuộc tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn).
Dưới thời Pháp thuộc, ngày 29/5/1929, người Pháp ra quyết định thành lập thành phố Thanh Hóa, là một thành phố cấp 3.
Sau Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa quay trở lại với tên gọi thị xã Thanh Hóa cho phù hợp với tình hình chung lúc bấy giờ.
Sau kháng chiến chống Pháp năm 1954, thị xã Thanh Hóa có 5 phường gồm: Ba Đình, Điện Biên, Lam Sơn, Ngọc Trạo, Phú Sơn và 1 xã Đông Thọ.
Đến năm 1963, thị xã Thanh Hóa tiếp tục được mở rộng địa giới hành chính. Ngày 16/3/1963, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 30-CP về việc sáp nhập xã Đông Giang gồm 3 làng Nghĩa Phương, Đông Sơn và Nam Ngạn thuộc huyện Đông Sơn và xóm Núi xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa, vào thị xã và chia thành 2 phường: Hàm Rồng và Nam Ngạn.
Tiếp đó, ngày 28/8/1971, theo Quyết định số 226-TTg, 3 xã: Đông Vệ, Đông Hương, Đông Hải thuộc huyện Đông Sơn và xã Quảng Thắng thuộc huyện Quảng Xương được sáp nhập vào thị xã. Năm 1991, thị xã Thanh Hóa được công nhận đô thị loại 4. Đến năm 1993 được công nhận là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh. Quy mô Thị xã Thanh Hóa gồm có 7 phường: Ba Đình, Điện Biên, Hàm Rồng, Lam Sơn, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Phú Sơn và 5 xã: Đông Hải, Đông Hương, Đông Thọ, Đông Vệ, Quảng Thắng.
Với tầm nhìn chiến lược, để phát huy vai trò, vị thế của trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Thanh Hóa, ngày 1/5/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 37/CP nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên thành phố Thanh Hóa với 15 phường, xã. Thành phố Thanh Hóa có tổng diện tích tự nhiên là 57,8 km2, dân số gần 20 vạn người.
Tiếp đó, ngày 28/6/1994, Chính phủ ra Nghị định số 55-CP thành lập một số phường thuộc thành phố Thanh Hóa, chuyển 2 xã Đông Thọ và Đông Vệ thành 2 phường có tên tương ứng; chia xã Đông Hải thành xã Đông Hải và phường Đông Sơn; chia phường Nam Ngạn thành 2 phường: Nam Ngạn và Trường Thi.
Hơn 1 năm sau, địa giới hành chính của Thành phố Thanh Hóa tiếp tục được điều chỉnh, mở rộng. Theo Nghị định số 85-CP ngày 6/12/1995 của Chính phủ, các xã: Đông Cương thuộc huyện Đông Sơn; Quảng Thành, Quảng Hưng và một phần đất của xã Quảng Thịnh (sáp nhập vào phường Đông Vệ) thuộc huyện Quảng Xương được sáp nhập vào thành phố. Thành phố Thanh Hóa có 17 phường, xã.
Theo Nghị định 44/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ, phường Phú Sơn được chia tách thành 2 phường: Phú Sơn và Tân Sơn.
Ngày 29/4 /2004, thành phố Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại 2.
Qua nhiều lần mở rộng địa giới hành chính, quy mô thành phố Thanh Hóa ngày càng lớn. Năm 2008, thành phố Thanh Hóa có diện tích 57,94 km2, gồm 12 phường: Ba Đình, Điện Biên, Đông Sơn, Đông Thọ, Đông Vệ, Hàm Rồng, Lam Sơn, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Phú Sơn, Tân Sơn, Trường Thi và 6 xã: Đông Cương, Đông Hải, Đông Hương, Quảng Hưng, Quảng Thắng, Quảng Thành.
Năm 2012, thành phố Thanh Hóa tiếp tục được mở rộng với quy mô lớn. Theo Nghị quyết 05/NQ-CP ngày 29/2/2012 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới để mở rộng địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, sáp nhập 19 xã, thị trấn bao gồm: 22,53 km2 và 28.127 người của huyện Hoằng Hóa (gồm các xã Hoằng Lý, Hoằng Long, Hoằng Anh, Hoằng Quang, Hoằng Đại và thị trấnTào Xuyên); 24,00 km2 và 31.761 người của huyện Đông Sơn (gồm các xã Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Hưng, Đông Vinh và thị trấn Nhồi); 14,97 km2 và 26.098 người của huyện Thiệu Hóa (gồm các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Thiệu Vân); 27,36 km2 và 37.308 người của huyện Quảng Xương (gồm các xã Quảng Thịnh, Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tâm,Quảng Cát); chuyển thị trấn Tào Xuyên thành phường Tào Xuyên và chuyển thị trấn Nhồi thành phường An Hoạch.
Ngày 19/8/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP về thành lập các phường: Đông Cương, Đông Hương, Đông Hải, Quảng Hưng, Quảng Thành, Quảng Thắng thuộc thành phố Thanh Hóa trên cơ sở các xã tương ứng.
Việc mở rộng địa giới hành chính đã tạo động lực cho sự phát triển, đưa thành phố bước vào thời kỳ mới, với tầm vóc lớn hơn.
Tuy nhiên, trước yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của tỉnh, một động lực phát triển của vùng Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong thời kỳ phát triển mới của tỉnh Thanh Hóa, ngày 25/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 05-NQ/TU nêu rõ: Thực hiện sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa phải gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Thanh Hóa nhanh và bền vững. Phát triển thành phố Thanh Hóa đặt trong mối quan hệ tổng thể, gắn kết chặt chẽ với phát triển của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các tỉnh trong vùng Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ngày 30/7/2024, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 565/NQ- HĐND về việc tán thành chủ trương sáp nhập huyện Đông Sơn vào Thành phố Thanh Hóa, thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 - 2025. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 82,87 km2, quy mô dân số là 101.272 người của huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa. Sau khi nhập, thành phố Thanh Hóa có diện tích tự nhiên là 228,22 km2 và quy mô dân số là 615.106 người.
Thành phố Thanh Hóa giáp thành phố Sầm Sơn và các huyện Hoằng Hóa, Nông Cống, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Triệu Sơn.
Thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Thanh Hóa như sau:
Thành lập phường Rừng Thông trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 5,96 km2 và quy mô dân số là 11.918 người của thị trấn Rừng Thông.
Thành lập phường Đông Thịnh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4,38 km2 và quy mô dân số là 7.630 người của xã Đông Thịnh.
Thành lập phường Hoằng Quang trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,30 km2 và quy mô dân số là 8.954 người của xã Hoằng Quang.
Thành lập phường Hoằng Đại trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4,67 km2 và quy mô dân số là 7.491 người của xã Hoằng Đại.
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 0,87 km2, quy mô dân số là 16.152 người của phường Tân Sơn vào phường Phú Sơn. Sau khi nhập, phường Phú Sơn có diện tích tự nhiên là 2,70 km2 và quy mô dân số là 33.359 người.
Sau khi sắp xếp, thành phố Thanh Hóa có 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 33 phường: An Hưng, Ba Đình, Điện Biên, Đông Cương, Đông Hải, Đông Hương, Đông Lĩnh, Đông Sơn, Đông Tân, Đông Thịnh, Đông Thọ, Đông Vệ, Hàm Rồng, Hoằng Đại, Hoằng Quang, Lam Sơn, Long Anh, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Phú Sơn, Quảng Cát, Quảng Đông, Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Thịnh, Tào Xuyên, Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Trường Thi, Rừng Thông và 14 xã: Đông Hòa, Đông Hoàng, Đông Khê, Đông Minh, Đông Nam, Đông Ninh, Đông Phú, Đông Quang, Đông Thanh, Đông Tiến, Đông Văn, Đông Yên, Đông Vinh và Thiệu Vân.