TP Thủ Đức: Hạn chế thiệt thòi đối với cán bộ, công chức khi sáp nhập

TP Thủ Đức là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước. Khi thành lập đơn vị hành chính mới này thì một vấn đề lớn được đặt ra, là tổ chức bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức được tổ chức ra sao, ai sẽ tiếp tục làm việc ở thành phố mới này? Lãnh đạo TPHCM nhấn mạnh, quan điểm của lãnh đạo TPHCM là khi thành lập TP Thủ Đức sẽ hạn chế tối đa thiệt thòi đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Công chức quận Thủ Đức đang tiếp nhận hồ sơ hành chính của người dân. Ảnh: KIỀU PHONG

Công chức quận Thủ Đức đang tiếp nhận hồ sơ hành chính của người dân. Ảnh: KIỀU PHONG

Nhập nguyên trạng các cơ quan chuyên môn

TP Thủ Đức sẽ được hình thành từ việc sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, với diện tích hơn 211km2 và dân số hơn 1 triệu người. TP Thủ Đức là thành phố thuộc TPHCM, đạt chuẩn đô thị loại 1, nhưng đây vẫn là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, UBND TP Thủ Đức sẽ có không quá 3 phó chủ tịch. Ngoài ra, Nghị định 108/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2014 quy định, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức bình quân mỗi phòng có 2 phó trưởng phòng.

Khi thành lập TP Thủ Đức thì sẽ hợp nhất Đảng ủy quận 2, Đảng ủy quận 9 và Đảng ủy quận Thủ Đức thành Đảng ủy TP Thủ Đức. HĐND và UBND từ 3 quận sẽ thành HĐND và UBND TP Thủ Đức. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của 3 quận cũng được hợp nhất thành Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội TP Thủ Đức.

Tương tự, các cơ quan tư pháp gồm TAND, VKSND; các cơ quan, đơn vị của đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn 3 quận như Ban Chỉ huy quân sự, Chi cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước hay các đơn vị sự nghiệp công lập của 3 quận cũng sẽ được hợp nhất, sắp xếp lại cho phù hợp.

Nghị quyết 1111 yêu cầu giải thể TAND, VKSND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TAND, VKSND TP Thủ Đức. Riêng TAND TP Thủ Đức sẽ có 5 tòa chuyên trách, gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa Xử lý hành chính, Tòa Kinh tế. Bí thư Quận ủy quận 9 Lâm Đình Thắng kiến nghị VKSND TPHCM, TAND TPHCM có hướng dẫn cụ thể về công tác bàn giao, tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động đối với VKSND, TAND của 3 quận từ ngày 1-1-2021 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất theo quy định pháp luật.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận 2, 9, Thủ Đức được thực hiện theo Nghị định 37/2014, gồm 12 phòng chuyên môn và cơ quan tương đương phòng (gọi chung là phòng). Trong đó, 10 phòng được tổ chức thống nhất ở tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Phòng TC-KH, Phòng TN-MT, Phòng LĐTB-XH, Phòng VH-TT, Phòng GD-ĐT, Phòng Y tế, Thanh tra quận, Văn phòng HĐND và UBND. Cùng đó là 2 phòng đặc thù phù hợp với loại đơn vị hành chính quận, gồm: Phòng QL-ĐT, Phòng Kinh tế.

Theo Sở Nội vụ TPHCM, tổng biên chế bộ máy hành chính của quận 2, 9 và Thủ Đức được giao năm 2020 là 1.221 người. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên hợp đồng của 3 quận có mặt đến cuối tháng 6-2020 là 1.127 người. Trong đó, ở cấp lãnh đạo UBND quận của quận 2 có chủ tịch và 3 phó chủ tịch; quận 9 có chủ tịch và 2 phó chủ tịch; quận Thủ Đức có chủ tịch và 3 phó chủ tịch. Tổng số trưởng phòng, phó trưởng phòng của 3 quận là 36 trưởng phòng và 77 phó trưởng phòng.

TPHCM đã đề xuất Trung ương cho phép tăng số lượng phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức là 4 người. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức không quá 13 phòng (có bổ sung thêm Phòng KH-CN cho phù hợp với thực tế). Số lượng phó trưởng phòng bình quân là 3 người/phòng, nghĩa là tổng số phó trưởng phòng thuộc UBND TP Thủ Đức không quá 39 người.

Ngay khi các đề xuất của TPHCM nêu trên được Trung ương chấp thuận thì riêng với nhóm lãnh đạo của 3 quận phải sắp xếp ít nhất 2 chủ tịch quận, 4 phó chủ tịch UBND quận, 23 trưởng phòng và 38 phó phòng. Dự kiến, bộ máy chính quyền TP Thủ Đức có biên chế khoảng 830 trường hợp, như vậy có 390 cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng hành chính dôi dư.

Hạn chế tối đa thiệt thòi

Rõ ràng, TP Thủ Đức sẽ hiện diện trên bản đồ TPHCM với tư cách là một đơn vị hành chính mới, một mô hình đầu tiên trong cả nước. Song, đây là kết quả của việc sáp nhập 3 đơn vị hành chính đã có. Vì thế, một vấn đề lớn đặt ra là việc sắp xếp bộ máy hành chính vừa tinh gọn, vừa đảm bảo mục tiêu cải cách hành chính. Cùng với đó là sự hài hòa, đảm bảo lợi ích đối với các cán bộ, công chức dôi dư.

Trước tâm tư, băn khoăn của cán bộ, công chức về sắp xếp bộ máy nhân sự, khi làm việc với các địa phương này, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh, quan điểm của lãnh đạo TPHCM là khi thành lập TP Thủ Đức sẽ hạn chế tối đa thiệt thòi đối với cán bộ, công chức, viên chức. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định, TPHCM sẽ không tinh giản đột ngột, đồng thời nhắn nhủ các cán bộ, công chức, viên chức cứ an tâm hoàn thành nhiệm vụ, không có gì phải lo lắng.

Chia sẻ thêm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, trước mắt, đội ngũ cán bộ, công chức sẽ nhập nguyên trạng, nhập cơ học các cơ quan chuyên môn của 3 quận 2, 9, Thủ Đức. Về việc sắp xếp bộ máy, TPHCM cũng sẽ thực hiện theo lộ trình. Đối với cấp trưởng dôi dư sau khi sáp nhập, TPHCM sẽ có phương án sắp xếp, bố trí kịp thời. Còn số lượng cấp phó, số lượng cán bộ, công chức ban đầu sẽ được giữ nguyên, rồi sắp xếp trong thời gian 60 tháng theo Nghị quyết 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến, TPHCM sẽ thực hiện xong việc sắp xếp vào năm 2022. Trường hợp sau năm 2022 mà sắp xếp chưa xong thì TPHCM tiếp tục có kiến nghị.

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM nhấn mạnh, TPHCM tính toán sắp xếp cán bộ dôi dư để không một cán bộ nào trong bộ máy phải thiệt thòi, tất cả đều được bố trí sắp xếp. Đối với các trường hợp muốn nghỉ hưu sớm hay thôi việc theo nguyện vọng, hoặc chuyển công tác thì sẽ giải quyết chế độ, chính sách tương ứng, đảm bảo quyền lợi. Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ, trước đây, khi nghe thông tin mấy trăm cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp thì một bộ phận anh em cán bộ, công chức cũng tâm tư, suy nghĩ. Giờ đây, nắm bắt chủ trương, chính sách sắp xếp của TPHCM, cán bộ, công chức, viên chức của quận đã ổn định tư tưởng, không còn lo ngại và nỗ lực cố gắng làm tốt nhiệm vụ.

Thạc sĩ TRẦN THỊ THU HÀ, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM:

Cần dấu ấn cá nhân người đứng đầu

Sự ra đời của UBND TP Thủ Đức không nên là sản phẩm của một phép cộng đơn giản giữa UBND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Bởi việc sáp nhập cơ học dễ tạo ra bộ máy nặng nề, trong khi với TP Thủ Đức đòi hỏi một thiết chế quản lý gọn nhẹ và năng động. Cho nên, cần thiết tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức theo hướng tăng cường yếu tố đa ngành, đa lĩnh vực. Mục đích là giảm các đầu mối quản lý, giảm chồng chéo, trùng lắp và đảm bảo sự liên thông. Các phòng chuyên môn cần ưu tiên đến đội ngũ có tính chuyên môn sâu của các ngành, lĩnh vực được xác định là những “mũi nhọn” của TP Thủ Đức. Trong đó, cũng cần tuyển dụng được các công chức am tường sâu sắc về khoa học - công nghệ, công nghiệp, thương mại, giao thông, hạ tầng đô thị…

UBND TP Thủ Đức cần được đổi mới về chế độ hoạt động. Ở đó rất cần chế độ hoạt động đòi hỏi dấu ấn cá nhân mạnh mẽ của người “đứng mũi chịu sào”, đảm bảo sự minh bạch, rạch ròi trong việc quy kết trách nhiệm và luôn xác định được địa chỉ chịu trách nhiệm cuối cùng. Đó chính là chế độ thủ trưởng. UBND và Chủ tịch UBND TP Thủ Đức còn phải đẩy mạnh phân cấp quản lý, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân sách, đầu tư công, quyền chủ động quyết định các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị, thu hút đầu tư… Việc này nhằm trang bị cho TP Thủ Đức có đủ công cụ pháp lý thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đáp ứng yêu cầu ngày càng phức tạp của quản lý nhà nước đối với đô thị hiện đại.

KIỀU PHONG - MAI HOA - MẠNH HÒA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tp-thu-duc-han-che-thiet-thoi-doi-voi-can-bo-cong-chuc-khi-sap-nhap-705914.html