TPBank sẽ chia cổ tức 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu
Tương tự Techcombank, ĐHĐCĐ TPBank đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu. Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Ngày 23/4/2024, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong - TPBank (HOSE: TPB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Năm 2023, tổng tài sản của TPBank tăng lên hơn 350.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm và tăng 9% so với năm 2022. Cho vay khách hàng vượt mốc 200.000 tỷ đồng, tăng 27%. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 16.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần đạt gần 12.500 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.600 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ ROE đạt gần 14%.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 34%, vượt mức 47.000 tỷ đồng. Năm 2023, TPBank đã phục vụ tổng cộng 12 triệu khách hàng. Trong 3 năm, TPBank đã thu hút thêm hơn 8,6 triệu khách hàng, cao gấp đôi tổng số lượng khách hàng của 12 năm trước đó.
Năm 2024, TPBank đặt mục tiêu kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản, nhằm đưa lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 34% so với thực hiện năm trước.
Trong đó, tín dụng vẫn là một trong những nguồn thu chủ yếu của TPBank. Tuy nhiên, TPBank có lợi thế có được các khoản thu dịch vụ tương đối tốt dù lãi suất giảm nhiều, thế nhưng CASA của Ngân hàng tăng giúp TPBank gia tăng được biên lợi nhuận.
Tổng tài sản dự kiến tăng 9,36%, lên mức 390.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay dự kiến tăng 15,75%, lên mức 251.821 tỷ đồng và huy động vốn tăng 3,31%, lên mức 327.000 tỷ đồng.
Năm nay, TPBank đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2,5%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank, đây là mục tiêu thận trọng. Ngân hàng sẽ cố gắng đảm bảo dưới 2% vì nợ xấu thấp, dự phòng thấp sẽ giúp ngân hàng đảm bảo lợi nhuận. Dự kiến trích lập dự phòng rủi ro năm 2024 quanh mức 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, TPBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh cơ sở khách hàng, cán mốc 15 triệu khách hàng trong năm 2024.
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, kết quả kinh doanh của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 4.700 tỷ đồng. Mảng đầu tư chứng khoán đã mang về lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng với mức tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, năm nay, TPBank quyết định chi trả cổ tức ở mức cao, lên tới 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu. Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Trước đó, vào tháng 4/2023, TPBank đã chi gần 4.000 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông theo tỷ lệ 25% (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 2.500 đồng).
Cũng trong năm 2023, TPBank đã phát hành gần 620 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 39,19% từ nguồn lợi nhuận để lại chưa phân phối lũy kế đến năm 2021 là 1.536 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 2.561 tỷ đồng và 2.102 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.
Như vậy, đã có 2 ngân hàng chi trả cổ tức với tỷ lệ 25% là Techcombank và TPBank. Đây hiện đang là mức chi trả cao nhất trong số các ngân hàng.
Về dư nợ vay tại 2 "ông lớn" bất động sản là Novaland và Hưng Thịnh, đại diện TPBank cho biết Novaland có khoản trái phiếu và một khoản nợ vay vào các dự án tương đối tốt (dự án Manhattan), có khả năng thu hồi nợ cao. Còn lại chủ yếu là khoản vay cá nhân mua dự án, tổng số khách hàng cá nhân vay mua dự án Novaland khoảng trên dưới 3.000 tỷ đồng.
Với dư nợ tại Hưng Thịnh, TPBank cho biết ngân hàng đã xử lý xong, các khoản nợ lớn được các đối tác khác của Hưng Thịnh mua lại.