TPBank và bài toán lợi nhuận 9.000 tỷ giữa áp lực lãi suất

TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 lên tới 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm trước – mức tăng được đánh giá là 'vô cùng tham vọng' trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank tại đại hội cổ đông thường niên 2025. Ảnh: TPB

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank tại đại hội cổ đông thường niên 2025. Ảnh: TPB

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm ngoái, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vấn đối mặt với những bất ổn từ căng thẳng thương mại đến địa chính trị.

Mục tiêu được công bố tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 ngày 24/4. Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú thừa nhận đây là một kế hoạch "vô cùng tham vọng và thách thức", đặc biệt khi chưa thể đánh giá hết các tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ cũng như việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo giảm lãi suất cho vay.

Dù vậy, ban điều hành TPBank cho rằng mục tiêu này có cơ sở thực tiễn. Sau hơn một thập kỷ tái cơ cấu, ngân hàng duy trì đà tăng trưởng ổn định nhờ chiến lược chuyển đổi số và tối ưu vận hành - hai yếu tố được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực trong năm nay.

Tiếp đà tăng trưởng

TPBank đã tiếp nối đà tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm khi ngay trong quí I đã đạt 2.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý, tổng huy động vốn đạt 337.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng đạt 3,75%, cao hơn 1,5 lần so với mức trung bình 2,5% của ngành ngân hàng, cho thấy những tín hiệu tích cực khi tín dụng mới bắt đầu chu kỳ phục hồi.

Một điểm sáng trong bức tranh tài chính quý I của TPBank là doanh thu thuần từ dịch vụ tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức trên 20% cơ cấu tổng thu nhập của ngân hàng.

Lãnh đạo TPBank cho biết kết quả này phản ánh hiệu quả của chiến lược giảm dần sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, đa dạng hóa nguồn thu để giảm rủi ro và tăng tính bền vững.

Hướng đến mục tiêu lãi lớn, ông Phú cho biết, TPBank sẽ chú trọng tăng trưởng mạnh cơ sở khách hàng trên nền tảng cung cấp giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng và tối ưu khách hàng hiện hữu.

TPBank đã cán mốc 14 triệu khách hàng, con số được ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá là “không tưởng” nếu so với số lượng 55.000 khách hàng vào thời điểm 2012, khi ngân hàng bắt đầu tái cơ cấu.

Tuy nhiên, con số này chưa phải lớn trong ngành ngân hàng và “chưa đủ” đối với TPBank. “Ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển thêm khách hàng, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ khách hàng sử dụng TPBank như ngân hàng chính cho các hoạt động từ gửi tiền, đầu tư, vay vốn cho đến các dịch vụ tiêu dùng khác”, ông Phú nhấn mạnh.

Tinh gọn, số hóa để duy trì biên lãi thuần

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm nay là giảm lãi suất cho vay. Gần đây, Chính phủ cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại không tăng lãi suất huy động, nhằm hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%.

Ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank tại Đại hội cổ đương thường niên 2025. Ảnh: TPB

Ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank tại Đại hội cổ đương thường niên 2025. Ảnh: TPB

Theo ông Hưng, trong bối cảnh đó, toàn ngành ngân hàng đang đối mặt với bài toàn duy trì biên lãi thuần (NIM) - một chỉ số quan trọng phản ánh hiệu quả sinh lời từ hoạt động tín dụng.

Để ứng phó, TPBank sẽ tiếp tục cải thiện chi phí vốn, tăng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và đảm bảo cơ cấu vốn hợp lý.

Thực tế, mức lãi lớn 7.600 tỷ đồng của TPBank năm 2024 cũng có đóng góp rất lớn đến từ những giải pháp nêu trên. Cụ thể, TPBank đã giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) từ mức hơn 41% năm 2023 xuống chỉ còn dưới 35% vào năm 2024, nhờ ứng dụng các giải pháp quản trị tinh gọn, ứng dụng triệt để công cụ số hóa.

“Đây là thành công lớn của TPBank trong bối cảnh ngân hàng tăng trưởng về cả hoạt động kinh doanh lẫn quy mô đội ngũ nhân sự”, ông Hưng cho biết.

Song song với đó, TPBank cũng ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào hoạt động đánh giá khách hàng và phê duyệt khoản vay trên nền tảng số, thông qua Trung tâm tài chính số (Dico).

Năm ngoái, Dico phục vụ 4,5 triệu khách hàng vay vốn, với khoản vay được phê duyệt chỉ trong vài phút. Tỷ lệ nợ xấu trên kênh số, nhờ công nghệ, được TPBank duy trì ở mức rất ấn tượng, chỉ khoảng 2%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ nợ xấu trung bình của các kênh cho vay tiêu dùng truyền thống là xấp xỉ 10%.

Đẩy mạnh kênh vay số góp phần giúp TPBank đạt mức tiền gửi không kỳ hạn gần 54.000 tỷ đồng, tăng gần 14,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là yếu tố giúp chi phí huy động vốn của TPBank được giữ ở mức thấp.

Ông Hưng cho biết, năm 2025, TPBank sẽ tiếp tục giữ vị thế tiên phong trong cuộc cách mạng chuyển đổi số ngành ngân hàng cũng như ngân hàng số số 1 trên thị trường, thông qua ứng dụng sâu rộng giải pháp số hóa vào các hoạt động từ nội bộ cho đến tương tác với khách hàng và nâng cấp hệ thống theo hướng hiện đại hóa, đảm bảo an toàn thông tin, kiểm soát rủi ro.

Đồng thời, ngân hàng sẽ đẩy mạnh kiểm soát chi phí, tìm kiếm định kỳ để mở rộng danh mục nhà cung cấp với chi phí tối ưu, nâng cao năng suất lao động, kiểm soát những tổn thất, lãng phí để có điều chỉnh phù hợp.

Ông Phú bổ sung, ngân hàng sẽ thành lập ban chỉ đạo đổi mới toàn diện, chịu trách nhiệm trước HĐQT về việc triển khai hoạt động đổi mới, đặc biệt là kiện toàn cơ cấu để đảm bảo tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của TPBank đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bao gồm 10% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu. Nguồn chi trả được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán. Sau đợt phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của TPBank dự kiến tăng từ 26.420 tỷ đồng lên hơn 27.740 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp TPBank thực hiện chi trả cổ tức kết hợp giữa tiền mặt và cổ phiếu.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tpbank-va-bai-toan-loi-nhuan-9000-ty-giua-ap-luc-lai-suat-d39883.html