TPHCM: 1.920 dự án khởi nghiệp hình thành

Ngày 2-6, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM về chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc họp, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM cho biết, tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.920 doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, tập trung chủ yếu lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm hơn 70%, còn lại là nông nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực khác.

Hiện Sở KH-CN đã hình thành 4 gói hỗ trợ khởi nghiệp. Một là hỗ trợ tư vấn, đào tạo (hỗ trợ 30% kinh phí nhưng không quá 200 triệu đồng/dự án); tổ chức sự kiện kết nối khởi nghiệp; ươm tạo dự án khởi nghiệp (50% kinh phí/dự án nhưng không quá 500 triệu đồng); tăng tốc dự án khởi nghiệp (giai đoạn doanh nghiệp khởi nghiệp kêu gọi đầu tư vốn nước ngoài để mở rộng dự án và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ).

Cho đến nay, thành phố đã hỗ trợ 40 dự án khởi nghiệp với tổng kinh phí 23 tỷ đồng. Tùy thuộc vào từng dự án mà mức hỗ trợ dao động từ 200 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng. Trong đó, có 21 dự án khởi nghiệp ngoài chi phí hỗ trợ của thành phố cũng đã được quỹ mạo hiểm tư nhân đầu tư 50% chi phí.

Đánh giá chung về các triển khai hệ sinh thái phát triển, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp chọn những thị trường ngách, tránh cạnh tranh đối kháng cũng như bị các nước trong khu vực lấn lướt. Hiện các dự án khởi nghiệp đã thu hút mạnh các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư tư nhân tham gia.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, nhiều dự án khởi nghiệp mang tính phong trào, chưa gắn liền với thị trường, có tính sao chép nhiều từ nước ngoài, chưa tạo được tính đột phá cho riêng mình. Về phía các tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, các thủ tục hành chính còn phức tạp, nhiều sở ban ngành chưa hỗ trợ đồng bộ cũng đang là hạn chế lớn cho hoạt động khởi nghiệp của doanh nghiệp.

Để tăng hiệu quả cho hệ sinh thái khởi nghiệp, thành phố cần có cơ chế tài chính để thu hút vốn, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Các thủ tục chấp nhận đầu tư thành lập quỹ và thủ tục công nhận quỹ đầu tư phải được thuận lợi hơn. Một yếu tố quan trọng nhất là thành phố cần sớm hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động song song với quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân.

Riêng với chính sách thuế, cần thiết phải miễn thuế doanh nghiệp khởi nghiệp ít nhất là từ 3 - 5 năm. Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, kết nối thị trường, đầu tư, công nghệ mới… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Thành phố cần định hướng lại lĩnh vực khởi nghiệp.

Theo đó, khởi nghiệp gắn với công nghệ thông tin, công nghiệp có giá trị gia tăng cao và ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo… Đây được xem là những ngành tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng cao và có khả năng làm thay đổi giao diện kinh tế của quốc gia. Một dự án khởi nghiệp được đánh giá là hiệu quả khi đáp ứng được 3 tiêu chí là tạo được công ăn việc làm, mang được giá trị cho xã hội và phát triển bền vững.

Liên quan đến vấn đề này, về phía Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM nhấn mạnh, hiện thành phố có rất nhiều gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Với những khó khăn trên, Ban cũng ghi nhận và sẽ có đề xuất với thành phố. Tuy nhiên, hiệp hội cần có những đánh giá chi tiết về những chính sách hỗ trợ đến từng doanh nghiệp, những khó khăn gặp phải và đề xuất giải pháp hỗ trợ cụ thể. Đây cũng là cơ sở để thành phố có những chủ trương, chính sách, giải pháp triển khai hỗ trợ hiệu quả hơn, đẩy nhanh tốc độ phát triển của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng.

Ái Vân

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/tphcm-1920-du-an-khoi-nghiep-hinh-thanh-80857.html