TPHCM cần cơ chế vượt trội để phát triển đường sắt đô thị
Ngày 10-8, tại TPHCM, Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ tổ chức hội nghị lần thứ 4. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng chủ trì.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương vùng Đông Nam bộ.
Tăng trưởng kinh tế chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, trong 7 tháng năm 2024, vùng Đông Nam Bộ mặc dù có mức tăng trưởng khá, nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 391.000 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng thu ngân sách nhà nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 43%).
Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu đạt 59,2 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 35%). Điều đáng mừng là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4-5-2024. Bộ KH-ĐT đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương trong vùng.
Đến nay, có 17/18 bộ, ngành và 5/6 địa phương vùng Đông Nam bộ có ý kiến tham gia. Sau khi có đủ ý kiến các thành viên, Bộ KH-ĐT sẽ tổng hợp, rà soát, chỉnh sửa, cập nhật và hoàn thiện kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ KH-ĐT cũng đã xây dựng dự thảo báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ và đang gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, ngoài các nhóm chính sách, cơ chế đề xuất áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, riêng vùng Đông Nam Bộ đề xuất một số nhóm chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt.
Đó là, chính sách về nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương của các địa phương trong vùng Đông Nam bộ; chính sách về phát triển khu công nghiệp; chính sách về tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp; chính sách về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương góp ý để kịp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, hiện còn nhiều nhiệm vụ chưa được các bộ, địa phương hoàn thành theo tiến độ nhưng không nêu lý do hay đề xuất trình cấp có thẩm quyền lùi thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, các đề án, nhiệm vụ mới phê duyệt có nhiều nội dung phức tạp, cần thời gian nghiên cứu. Các nội dung liên kết vùng quan trọng như liên kết trong hạ tầng giao thông, liên kết đầu tư phát triển... còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Từ đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về công tác phát triển vùng nhằm đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.
Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng, như Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua địa bàn vùng Đông Nam Bộ, các tuyến đường sắt đô thị TPHCM, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, đề nghị TPHCM khẩn trương chủ trì, nghiên cứu trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền của Quốc hội đối với dự án đường vành đai 4 TPHCM tại kỳ họp Quốc hội tháng 11-2024…
Huy động nguồn lực phát triển metro
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi báo cáo về tình hình thực hiện đề án phát triển đường sắt đô thị TPHCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện, TPHCM đang phối hợp với Thủ đô Hà Nội và Bộ GTVT để hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
Theo đề án, dự kiến đến năm 2035, TPHCM sẽ xây dựng thêm 183km đường sắt đô thị (metro), lúc đó năng lực vận tải công cộng của đường sắt đô thị chiếm 15-20%. Đến năm 2045, TPHCM có thêm 168 km, nâng tổng số đường sắt đô thị là 352km, năng lực vận tải công cộng chiếm từ 40 đến 50%. Đến năm 2060, hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị của TPHCM với tổng chiều dài là 510km, năng lực vận tải công cộng chiếm 50-60%.
Để thực hiện đề án, TPHCM xác định nguồn vốn trong nước và đầu tư công cũng là chủ yếu. Trong đó, nhu cầu vốn đến năm 2035, TPHCM cần khoảng 36 tỷ USD; đến năm 2045 cần 33 tỷ USD và đến năm 2060 cần 48 tỷ USD.
Số tiền này được huy động từ nguồn đầu tư công của thành phố bằng cách bố trí hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi; nguồn từ khai thác quỹ đất; nguồn từ Trung ương hỗ trợ qua các dự án trọng điểm; nguồn từ vay trái phiếu chính quyền địa phương và sẽ trả từ các nguồn thu từ ngân sách thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị cần có cơ chế vượt trội trong xây dựng đề án, giải phóng mặt bằng, huy động vốn và quản lý. TPHCM dự kiến sẽ trình Quốc hội ban hành một nghị quyết có các cơ chế, chính sách về quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường tái định cư, huy động vốn, thủ tục dự án.
Về dự án đường Vành đai 3 TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết hiện có 3 vướng mắc, đó là cát phục vụ xây lắp, giải phóng mặt bằng ở 4 địa phương và tiến độ của một số hạng mục. Hiện các địa phương có dự án đi qua đã thống nhất sẽ ngồi lại đánh giá và cố gắng đảm bảo tiến độ đến tháng 1-2026 sẽ thông xe kỹ thuật và quý 2-2026 hoàn thành dự án.