TPHCM cần thành lập Quỹ đầu tư văn học nghệ thuật

Tại buổi họp mặt văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM đã bày tỏ ý kiến tâm huyết về phát triển văn học nghệ thuật thành phố.

Có thể nói, TPHCM là địa phương đi đầu về công tác chăm lo cho văn nghệ sĩ. Thành phố đã tổ chức rất nhiều chuyến đi về nguồn cho văn nghệ sĩ do Ban Tuyên giáo Thành ủy dẫn đoàn... Cùng với đó, thành phố đã dành một khoản ngân sách để chu cấp, trợ giúp một số văn nghệ sĩ lớn tuổi, hoàn cảnh khó khăn.

Vào năm ngoái, lãnh đạo TPHCM cùng Hội Sân khấu đã chuyển 7 nghệ sĩ lớn tuổi đang sống tại Khu Dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8, TPHCM) đến Viện Dưỡng lão Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TPHCM) để có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Điều này rất đáng ghi nhận, cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo thành phố với văn nghệ sĩ.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã nêu một vấn đề lớn: Vì sao những năm gần đây TPHCM không có tác phẩm gây tiếng vang, đi vào lòng bạn đọc? Tôi đồng cảm và chia sẻ với băn khoăn này của đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, bởi thực tế cho thấy, trong những năm gần đây khó tìm ra được những tác phẩm được dư luận quan tâm, được bạn đọc sôi nổi bàn tán, báo chí phê bình hay khen ngợi.

Vì sao chúng ta đang thiếu những tác phẩm gây tiếng vang? Nếu nói khó khăn ở phía người nghệ sĩ là không đúng. Chúng ta đều biết rằng, sáng tác là hoạt động cá nhân, tính độc lập rất cao, không phải là câu chuyện đói, no hay có nhiều tiền mới sáng tác hay. Phải chăng người nghệ sĩ đang hài lòng hay đang cần tìm một đòn bẩy nào đó?

Nhưng rõ ràng, trước và sau đổi mới, chúng ta đã có rất nhiều tác phẩm hay. Thực tế, chúng ta không thiếu chất liệu để sáng tác. Chúng ta có những cuộc chiến tranh hào hùng bảo vệ Tổ quốc, từ chống Pháp đến chống Mỹ; rồi những cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam… Hoặc gần đây, chúng ta chiến đấu với đại dịch Covid-19 khốc liệt. Thời gian qua, cũng đã xuất hiện một số tác phẩm, nhưng phải nói thẳng là các tác phẩm này vẫn còn nặng tính phong trào, tính thời cuộc.

Thời gian qua, lãnh đạo TPHCM đã thể hiện sự quan tâm, chăm sóc văn nghệ sĩ ở nhiều phương diện khác nhau. Là một nhà văn, tôi rất biết ơn và xúc động trước sự quan tâm đó. Cùng với đó, lãnh đạo thành phố cũng cần gần gũi văn nghệ sĩ hơn nữa, để hai bên có nhiều cơ hội trao đổi và lắng nghe nhau. Chính sự thấu hiểu, quan tâm, chia sẻ từ các cấp lãnh đạo sẽ là nguồn động viên đồng thời giúp người nghệ sĩ giải tỏa trong sáng tác.

TPHCM được xem là “thánh địa” của cải lương, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có một nhà hát cải lương đúng nghĩa, vẫn chưa có một nhà hát giao hưởng xứng tầm. Nhà hát Thành phố hiện tại đã quá cũ, các dàn nhạc giao hưởng nước ngoài muốn đến thành phố biểu diễn cũng không dễ dàng. Phải để cho người dân được thụ hưởng văn hóa nghệ thuật có chất lượng, đỉnh cao.

Song song với thụ hưởng cần nâng cao tầm nhận thức của người dân thông qua những tác phẩm văn học nghệ thuật. Chúng ta cần có sự đầu tư, mà quan trọng là phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Ở thời điểm hiện tại, việc thành lập một quỹ đầu tư cho văn học nghệ thuật là điều cần thiết. Chúng ta hiện đang có Giải thưởng Sáng tạo TPHCM hàng năm được trao cho 7 lĩnh vực mà văn học nghệ thuật là một trong số đó. Nhưng theo tôi, như vậy là chưa đủ.

TPHCM cần có một giải thưởng văn học nghệ thuật, có thể lấy tên một văn nghệ sĩ lớn nào đó của thành phố hay cũng có thể gọi là Giải thưởng TPHCM về văn học nghệ thuật. Đây chắc chắn sẽ là nguồn động viên và khích lệ văn nghệ sĩ rất nhiều trong sáng tác.

HỒ SƠN ghi

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-can-thanh-lap-quy-dau-tu-van-hoc-nghe-thuat-post727748.html