TPHCM chi hơn 9.300 tỷ đồng làm đoạn 3,5 km đường Vành đai 2
HĐND TPHCM vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) với hơn 9.300 tỷ đồng, thực hiện bằng ngân sách thành phố.
Chiều 19/9, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TPHCM khóa X đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp).
Theo đó, dự án có chiều dài 3,5km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng, thực hiện bằng ngân sách thành phố trong giai đoạn từ năm 2023-2027.
Dự án sẽ được chia làm hai dự án thành phần. Dự án thành phần 1 (xây dựng) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.653 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 (bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư) do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP.Thủ Đức làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.675 tỷ đồng.
Về quy mô đầu tư, xây dựng 6 làn xe trên đường song hành hai bên (mỗi bên 3 làn) với quy mô 34m, đồng thời xây dựng 2 nhánh cầu Đường Xuồng trên đường song hành rộng 12,8m. Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ xây dựng nút giao thông Bình Thái, nâng cấp, cải tạo mặt đường Đặng Văn Bi, Đỗ Xuân Hợp và các đường nhánh kết nối vào tuyến chính...
Về tiến độ thực hiện, sau khi HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư, đơn vị liên quan sẽ tiến hành khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần từ quý IV năm 2023 đến quý I năm 2024.
Thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công; tiến hành lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát từ quý I năm 2024 đến quý II năm 2025.
Khởi công xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác từ quý II năm 2025 đến quý IV năm 2026. Quyết toán dự án vào năm 2027.
Theo Nghị quyết của HĐND TPHCM, việc đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) bằng ngân sách thành phố sẽ góp phần hình thành tuyến đường Vành đai 2 trước năm 2030 theo quy hoạch.
Qua đó, tạo sự đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa và giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực đô thị trung tâm hiện hữu, kết nối với đô thị vệ tinh của khu vực TPHCM, các đầu mối giao thông lớn (cảng Cát Lái - Phú Hữu,…).
Đồng thời, tăng cường năng lực, đồng bộ hệ thống giao thông khu vực đoạn tuyến đi qua, phát huy vai trò và hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai đầu tư xây dựng; góp phần vận tải hàng hóa khu vực cảng biển…