TPHCM chuyển hơn 100.000 biên chế cấp huyện về xã sau sắp xếp

Sau sắp xếp, TPHCM dự kiến chuyển hơn 100.000 biên chế từ cấp huyện về cấp xã, với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cấp huyện làm nòng cốt tại các xã mới.

Sau sắp xếp, TPHCM chuyển hơn 100.000 biên chế cấp huyện về xã. Ảnh: Lê Vũ

Sau sắp xếp, TPHCM chuyển hơn 100.000 biên chế cấp huyện về xã. Ảnh: Lê Vũ

UBND TPHCM vừa báo cáo Chính phủ đề án sắp xếp Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM. Thành phố mới rộng 6.772 km², dân số hơn 13,7 triệu người, gồm 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo, chinhphu.vn đưa tin.

Sau sáp nhập, TPHCM có 6 tổ chức Đảng cấp trên cơ sở gồm Đảng bộ UBND, Đảng bộ cơ quan Đảng, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Quân sự, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng, Đảng bộ Đại học Quốc gia TPHCM, cùng 168 Đảng bộ cấp xã.

Với khối chính quyền, đại biểu HĐND cấp tỉnh của Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và TPHCM sẽ hợp thành Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM mới, hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021-2026.

Các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND và đoàn đại biểu Quốc hội sẽ được chỉ định, trong trường hợp đặc biệt có thể chỉ định người không phải đại biểu HĐND.

HĐND TPHCM có 4 ban, gồm Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội và Đô thị. Tương tự cấp xã, các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND và trưởng các ban sẽ được chỉ định.

Đối với cấp sở, TPHCM mới giữ nguyên trạng các sở và cơ quan hành chính của ba địa phương, gồm 15 sở và cơ quan tương đương, Sở An toàn thực phẩm thí điểm theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, cùng các đơn vị sự nghiệp công lập.

Dự kiến, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ hoàn thành và chính thức hoạt động chậm nhất ngày 15-8 đối với cấp xã và ngày 15-9 đối với cấp tỉnh.

Đề án đề ra phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo lộ trình.

Năm 2025, TPHCM có 6.823 cán bộ, công chức và 32.189 viên chức ở khối sở ngành; khối quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ chuyển 4.946 biên chế công chức và 95.613 biên chế viên chức, người lao động về cấp xã sau sắp xếp.

Thành phố cũng chuyển 11.342 cán bộ, công chức cấp xã hiện nay và giải quyết chế độ cho 9.732 người hoạt động không chuyên trách.

Cán bộ HĐND cấp xã (gồm chủ tịch, phó chủ tịch và 2 ban chuyên môn) sẽ được lựa chọn theo tiêu chuẩn để bầu, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo. Đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cấp huyện hiện nay sẽ làm nòng cốt tại các đơn vị hành chính cấp xã mới.

Toàn bộ công chức cấp huyện, hơn 100.000 biên chế, được bố trí công tác tại các xã mới, đáp ứng tiêu chuẩn trình độ từ cấp huyện trở lên.

Cán bộ, công chức cấp xã hiện có tiếp tục làm việc tại các xã, phường mới; công chức cấp huyện giữ vị trí chủ chốt tại cấp xã. Khi cần, một số lãnh đạo sở, ban, ngành sẽ tăng cường về xã.

UBND xã, phường mới sẽ quản lý viên chức tại các trường học và trạm y tế trên địa bàn. Số viên chức trạm y tế xã, phường được giữ nguyên; viên chức trung tâm y tế cấp huyện chuyển về Sở Y tế. Viên chức ở các lĩnh vực khác thực hiện theo quy định tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập.

Khi sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, TPHCM tạm giữ ổn định biên chế, nhân sự hiện có để rà soát, sắp xếp thực hiện nhiệm vụ. Sau đó, thành phố sẽ chỉ đạo lộ trình tinh giản biên chế theo đúng tỉ lệ quy định, dựa trên định hướng của Trung ương.

Ngày 6-5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được ký quyết định thành lập Tổ giúp việc sáp nhập đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, do Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan làm tổ trưởng. Tổ giúp việc có nhiệm vụ xây dựng phương án tổng thể, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, họp HĐND các cấp và hoàn chỉnh hồ sơ trình phê duyệt.

Gia Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tphcm-chuyen-hon-100-000-bien-che-cap-huyen-ve-xa-sau-sap-xep/