TPHCM đang nỗ lực xây dựng các địa bàn 'sạch' tội phạm và tệ nạn ma túy
Trong hơn một năm qua, lực lượng Công an TPHCM đã đấu tranh triệt phá 4.428 vụ vi phạm pháp luật về ma túy với tang vật thu giữ hơn 1,7 tấn ma túy các loại. Hiện TP đang nỗ lực từng bước xây dựng các địa bàn 'sạch' tội phạm và tệ nạn ma túy.
Ngày 8/5, tại cuộc họp báo định kỳ hàng tuần về tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn, Công an TPHCM đã thông tin kết quả triển khai công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong thời gian qua. Theo đó, với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TPHCM và Bộ Công an, cùng nỗ lực từ hệ thống chính trị và người dân, tình hình đấu tranh với tội phạm ma túy trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Các đối tượng và tang vật trong đường dây tội phạm ma túy vừa bị Công an TP.HCM triệt phá gần đây
Từ đầu năm 2024 đến tháng 4/2025, lực lượng Công an TPHCM đã phát hiện, xử lý 4.428 vụ vi phạm pháp luật về ma túy, liên quan đến 11.863 đối tượng. Tang vật thu giữ lên đến hơn 1,7 tấn ma túy các loại. Trong đó, 3.992 vụ với 8.582 bị can đã bị khởi tố; 436 vụ với 3.281 đối tượng bị xử phạt hành chính.
Điển hình, trong cao điểm đảm bảo an ninh trật tự cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lực lượng công an đã triệt phá hai đường dây ma túy lớn, bắt giữ 27 đối tượng, thu giữ 245 kg ma túy.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được xem là một trong những trụ cột trong chiến lược phòng, chống ma túy. Công an TPHCM đã tổ chức hơn 1.300 buổi tuyên truyền, thu hút 480.000 lượt người tham gia. Riêng tại các trường học, 121 buổi tuyên truyền đã được triển khai với sự tham gia của hơn 96.000 học sinh, sinh viên và giáo viên.
Các chương trình như “School Tour – Học đường không ma túy” và “Uni Tour” được tổ chức phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn và Hội Sinh viên TPHCM đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Đây là chuỗi hoạt động mang tính định kỳ, có đánh giá kết quả và điều chỉnh phù hợp trong từng giai đoạn.

TPHCM từng bước xây dựng địa bàn “sạch” tội phạm và tệ nạn ma túy, đặc biệt là trong môi trường học đường
Ngoài ra, các mô hình tự quản, tự phòng như CLB Sức sống mới, CLB đồng đẳng “Bạn giúp bạn”, mô hình “camera giám sát an ninh trật tự”... đã giúp nâng cao ý thức của người dân và lan tỏa hiệu quả công tác phòng, chống ma túy đến từng khu phố, tổ dân phố.
Trong năm 2024, TPHCM đã triển khai thí điểm mô hình “địa bàn không có tội phạm và tệ nạn ma túy” tại 4 xã/phường thuộc Quận 5 và huyện Cần Giờ. Sau một thời gian thực hiện, cả 6 địa bàn (bao gồm thêm 2 phường do Quận 3 và Tân Bình chủ động chọn) đều đạt các tiêu chí đề ra.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo 138 của 267 xã/phường còn lại cũng đã chọn ra 315 ấp/khu phố để tiếp tục nhân rộng mô hình này. Công tác chuyển hóa các địa bàn được đánh giá cao nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và người dân.
Dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, CATP cũng chỉ ra một số khó khăn như sự phối hợp chưa hiệu quả của một bộ phận người nghiện và gia đình trong công tác cai nghiện; hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy còn một số bất cập cần hoàn thiện; thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, phức tạp.
Trong thời gian tới, CATP khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành để nhân rộng các mô hình hiệu quả, đồng thời triển khai nghiêm túc Kết luận 132-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 93/NQ-CP của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên toàn địa bàn.