TPHCM đạt kết quả thi hành án dân sự cao nhất cả về việc và tiền

Công tác thi hành án dân sự tiếp tục đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương; kết quả thi hành án năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Ngày 17-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đến dự.

Báo cáo của Bộ Tư pháp tại hội nghị cho biết, trong năm 2024, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 28 luật; trong đó riêng bộ đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 800 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành gần 5.000 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 2.100 VBQPPL cấp huyện và hơn 2.600 VBQPPL cấp xã. Một số bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản như: Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ TN-MT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

Theo Bộ Tư pháp, công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương.

“Một số bộ, ngành đã quan tâm chỉ đạo, chú trọng kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, như: Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ TT-TT và Bộ VH-TT-DL”, báo cáo của Bộ Tư pháp biểu dương.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng VBQPPL nhìn chung chưa cao, tính ổn định của hệ thống pháp luật còn thấp. Việc lập đề nghị, xây dựng dự án, dự thảo VBQPPL chưa được thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật về ban hành VBQPPL. Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Đến nay, các cơ quan có trách nhiệm ban hành còn nợ 10 văn bản (gồm 9 nghị định, 1 thông tư). Việc tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập và xử lý thông tin về tình hình theo dõi thi hành pháp luật còn ít, cơ chế phối hợp chưa được quy định cụ thể; việc thống kê, tổng hợp số liệu chưa được đầy đủ, kịp thời.

Công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) tiếp tục đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Kết quả THADS năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Cụ thể, năm 2024 , các cơ quan THADS đã thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 83,88% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,63% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền, đã thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng, tăng hơn 27.119 tỷ đồng (tăng 30,33%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 51,84% (tăng 5,06%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,39% so với chỉ tiêu được giao.

TPHCM đạt kết quả THADS cao nhất cả về việc và tiền như: (58.058 việc/trên 34.804 tỷ đồng), Thành phố Hà Nội (46.944 việc/trên 25.038 tỷ đồng), Đồng Nai (20.529 việc/trên 2.093 tỷ đồng), Bình Dương (16.564 việc/trên 4.560 tỷ đồng), Long An (18.440 việc/trên 2.073 tỷ đồng)...

Về THAHC, năm 2024, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành là 1.973 bản án, quyết định (số lượng kỳ trước chuyển sang là 776, phát sinh trong kỳ báo cáo là 1.197), tăng 559 bản án, quyết định so với năm 2023 (tăng 73,7%); các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 896 bản án, quyết định (tăng gần 54% so với năm 2023).

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-dat-ket-qua-thi-hanh-an-dan-su-cao-nhat-ca-ve-viec-va-tien-post773425.html