TPHCM đề xuất mở cơ chế vốn để giải bài toán giao thông

Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất nhiều cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách để giải bài toán vốn cho giao thông.

Quốc lộ 13, đoạn từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương được đề xuất nâng cấp theo hình thức BOT. (Ảnh: PLO)

Quốc lộ 13, đoạn từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương được đề xuất nâng cấp theo hình thức BOT. (Ảnh: PLO)

Trong văn bản vừa gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đánh giá hệ thống đường bộ của TP Hồ Chí Min, trong đó các tuyến đường trục chính đô thị, cửa ngõ, kết nối với các tỉnh lân cận... quy mô hiện hữu chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông và chưa được mở rộng theo lộ giới quy hoạch.

Góp ý bổ sung, hoàn thiện chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất nhiều cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách để giải bài toán vốn cho giao thông.

Theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030, tổng km đường dự kiến được đầu tư khoảng 454 km (gồm các tuyến đường cao tốc, vành đai, quốc lộ, các tuyến giao thông trục chính, cầu lớn...). Tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 266.000 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách TP là 92.000 tỷ đồng chiếm 34,6%, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 174.000 tỷ đồng chiếm 65,4%).

Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được thành phố thông qua bố trí cho lĩnh vực giao thông là 52.744 tỷ đồng, chỉ đạt 19,8% so với tổng nhu cầu.

Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải đề xuất được áp dụng hình thức hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu, thay vì chỉ được áp dụng với các dự án "không phải là đường độc đạo" theo quy định tại dự thảo Nghị quyết. Sở đánh giá việc sử dụng cụm từ này sẽ gây khó khăn, không rõ ràng trong việc xác định về tiêu chí, phạm vi áp dụng đối với các công trình đường bộ hiện hữu, đồng thời ảnh hưởng tới tính khả thi của nội dung cơ chế.

BOT là hình thức thu phí trực tiếp của người sử dụng để hoàn vốn đầu tư nên trong quá trình xác định và lựa chọn công trình áp dụng hình thức hợp đồng nêu trên, thành phố sẽ chủ động xem xét, đánh giá.

Sở Giao thông Vận tải cho biết, các dự án có thể xem xét như: mở rộng quốc lộ 1 (chia 3 đoạn tương ứng với 3 dự án) tổng mức đầu tư sơ bộ 12.876 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) khoảng 1.200 tỷ đồng; mở rộng quốc lộ 13 hơn 12.190 tỷ đồng; dự án xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía nam nối ra đường Vành đai 3 chiều dài 9,7 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 13.837 tỷ đồng; trục đường Bắc - Nam cần 54.204 tỷ đồng cho dự án mở rộng; cuối cùng là xây dựng đường động lực (đường song song quốc lộ 50) tổng vốn 3.816 tỷ đồng.

Như vậy, nếu được thông qua cơ chế, TP Hồ Chí Minh sẽ cần thu hút khoảng 100.000 tỷ đồng xã hội hóa để thực hiện 6 dự án trên theo hình thức hợp đồng BOT.

Sở Giao thông Vận tải thành phố cũng kiến nghị được xây dựng cơ chế áp dụng hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước (theo thỏa thuận trong hợp đồng BT) thay vì thanh toán bằng quỹ đất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư theo các quy định đã từng được áp dụng trước đây.

Việc thanh toán hoàn vốn (bao gồm chi phí hợp pháp khác) cho nhà đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ được thành phố xác định, cân đối thanh toán trong khoảng thời gian nhất định và trên cơ sở tiến độ thực hiện, khả năng tăng thu ngân sách thành phố từ các nguồn như đấu giá, đấu thầu các quỹ đất công cũng như các chính sách tài chính khác.

Theo VTV

Nguồn SGĐT: https://www.saigondautu.com.vn/tphcm-de-xuat-mo-co-che-von-de-giai-bai-toan-giao-thong-post101621.html