TPHCM đề xuất mức lương 120 triệu đồng/tháng cho người đứng đầu tổ chức khoa học công nghệ

Không chỉ tập trung tăng thu nhập cho người làm khoa học, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết đề xuất này hướng đến tầm nhìn cao hơn là xây dựng một số đơn vị nghiên cứu hàng đầu ở TPHCM được quốc tế công nhận.

Trong dự thảo "Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ" mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã đề xuất mức lương 60-120 triệu đồng/tháng cho người đứng đầu tổ chức khoa học công nghệ công lập do UBND TPHCM thành lập.

 Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ

Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ

Tại buổi họp báo chiều 17/8, bà Nguyễn Thị Thu Sương, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, mục tiêu đề án này không phải chỉ tập trung việc tăng thu nhập cho người làm khoa học mà hướng đến tầm nhìn cao hơn là xây dựng một số đơn vị nghiên cứu hàng đầu ở TPHCM được quốc tế công nhận.

"Với Nghị quyết 98 cho phép HĐND thành phố được quyết định vấn đề tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi với các vị trí lãnh đạo và người làm khoa học trong các tổ chức khoa học công nghệ. Trên cơ sở này, chúng tôi đề xuất cơ chế thù lao tương xứng cho người đứng đầu viện công nghệ tiên tiến để nghiên cứu những sản phẩm thành phố cần. Bởi nếu cơ chế như hiện này thành phố trả thu nhập như một công chức bình thường sẽ khó thu hút những người này", bà Sương nêu.

Chỉ ra mức lương đề xuất cao gấp 5-6 lần mức hiện tại, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết trước đó đã tiến hành một khảo sát về chế độ tiền lương trên khoảng vài chục tổ chức khoa học công nghệ khối Nhà nước, tư nhân và của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong các ngành công nghệ.

Kết quả, trong nhóm này có đơn vị nước ngoài trả thu nhập cao nhất 360 triệu đồng cho vị trí giám đốc phụ trách phát triển trí tuệ nhân tạo (chưa tính thưởng). Với khối Nhà nước, tổng thu nhập trung bình khoảng 30 - 40 triệu mỗi tháng.

"Sau khảo sát, chúng tôi tính toán trong điều kiện Nhà nước và mức trung bình từ kết quả trên để đề xuất trả thù lao 60 - 120 triệu đồng mỗi tháng cho chức danh lãnh đạo cao nhất. Mức thu nhập này có thể với nhiều người là lớn, nhưng với chuyên gia nước ngoài hay Việt kiều thì ở mức vừa phải", bà Sương phân tích.

Về điều kiện để lãnh đạo trung tâm nghiên cứu khoa học nhận được mức thù lao trên, bà Sương cho biết họ phải đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo Nhà nước như bằng cấp, học hàm, học vị…

"Tuy nhiên, quan trọng hơn lãnh đạo được tuyển chọn phải thỏa mãn yêu cầu công việc được giao. Người hưởng mức thu nhập này phải có một kế hoạch cụ thể về chiến lược nghiên cứu phát triển trong giai đoạn 5 năm. Hội đồng khoa học sẽ đánh giá nghiên cứu này có xứng tầm với những gì mà thành phố đầu tư, mang lại hiệu quả thực sự, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội", đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM thông tin.

Theo đó, mỗi định kỳ 3 - 6 tháng, lãnh đạo viện nghiên cứu được tuyển chọn phải có báo cáo tiến độ công việc. Trong trường hợp các nghiên cứu không đảm bảo như KPI đặt ra, thành phố có quyền quyết định ngưng đề án bất cứ thời điểm nào.

Theo dự thảo trên, ngoài người đứng đầu, cấp phó của tổ chức khoa học công nghệ công lập được hưởng mức thù lao 50 - 100 triệu đồng, trưởng các phòng ban 40 - 80 triệu đồng, phó phòng ban 30 - 60 triệu đồng mỗi tháng.

Mức thù lao này được xem xét tăng 5% mỗi năm theo kết quả hoạt động tại đơn vị lãnh đạo làm việc nhưng không quá mức trần quy định trên. Ngoài ra, lãnh đạo các tổ chức khoa học công nghệ được thưởng một tháng lương khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuối năm.

Với người thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ được chi thù lao đối với chức danh chủ nhiệm đề tài là 60 triệu đồng mỗi người một tháng. Hệ số lao động khoa học của các chức danh gồm: chủ nhiệm nhiệm vụ (1.0), thành viên chính (0,8), thư ký khoa học (0,6), thành viên (0,6), kỹ thuật viên và nhân viên hỗ trợ (0,2). Hệ số lao động khoa học là cơ sở để tính tiền công lao động cho từng vị trí tham gia đề tài, dự án. Lãnh đạo, người nghiên cứu phải nằm trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố như điện tử - công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới...

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tphcm-de-xuat-muc-luong-120-trieu-dong-thang-cho-nguoi-dung-dau-to-chuc-khoa-hoc-cong-nghe-post260887.html