TPHCM: Diễn tập xử lý tình huống khẩn cấp cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ lớn nhất từ trước đến nay
Cuộc diễn tập phương án xử lý tình huống khẩn cấp cháy, nổ và tổ chức thoát nạn, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại nơi tập trung đông người với quy mô lớn nhất từ trước đến nay diễn ra tại TPHCM, thu hút hơn 7.200 người tham gia. Khoảng 126 phương tiện cơ giới các loại phục vụ công tác chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ như robot chữa cháy, tàu chữa cháy, xe chỉ huy, xe nước chữa cháy, xe thang, xe chở phương tiện, xe chữa cháy phá dỡ đa năng, xe cấp cứu... cũng được huy động tham gia.
Sáng 11/1, UBND TPHCM phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng tổ chức diễn tập phương án xử lý tình huống khẩn cấp cháy, nổ và tổ chức thoát nạn, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại nơi tổ chức lễ hội, sự kiện tập trung đông người trên địa bàn TPHCM.
Dự có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM; Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM; Thiếu tướng Lê Xuân Thế, Phó Tư Lệnh Quân khu 7...
Tình huống giả định tại buổi diễn tập, 21 giờ cùng ngày, sự kiện bắn pháo hoa khu vực quảng trường Thủ Thiêm - Sông Sài Gòn và lễ hội được tổ chức tại đường Nguyễn Huệ chào mừng kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước... Sự kiện có sự tham gia của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ban ngành, địa phương, các đoàn khách ngoại giao quốc tế và người dân ở TPHCM.
Thời điểm này, sân khấu chính ngoài trời đường Nguyễn Huệ cháy nổ hệ thống điện, cháy lan ra toàn bộ khu vực sân khấu chính. Sự cố cháy nổ làm 1 số bình khí nổ hỗn hợp khí gây sụp đổ sân khấu.
Vụ việc khiến hàng ngàn người hoảng loạn tìm cách tháo chạy. Nhiều người chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau gây thảm họa làm hàng trăm người thương vong.
Cùng lúc, khu vực cầu cảng bến thủy Bạch Đằng - Sông Sài Gòn tàu nhà hàng xuất bến. Trên tàu có lượng lớn người ăn uống phát hiện cảnh cháy, nổ nên hoảng loạn tìm đường thoát nạn.
Do nhân viên bếp tàu rời bỏ vị trí bếp để lại nhiều vật dụng dễ cháy, dễ bắt cháy và không đóng van gas nên gây cháy lớn trên tàu. Sự cố làm nhiều người bị thương kẹt trên tàu và một số không bình tĩnh hoảng sợ thoát nạn bằng cách nhảy xuống sông.
Do quá trình xảy ra sự cố làm lượng lớn người tập trung đông gây hoảng loạn ở đường Tôn Đức Thắng ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Lúc này, tại nút giao lộ đường Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi xảy ra va chạm giao thông giữa 2 xe ô tô và xe tải chở hóa chất sử dụng trong y tế khiến 4 người mắc kẹt, xe bốc cháy.
Nhận thấy tình huống nguy hiểm, Sĩ quan bảo vệ tiếp cận cùng Bảo vệ điểm của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Công an TPHCM khẩn trương đưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước... ra khỏi khu vực nguy hiểm theo lối thoát hiểm đường Tôn Đức Thắng và chuyển đến điểm an toàn. Chỉ huy trực bảo vệ sân khấu yêu cầu bộ phận chốt chặn đảm bảo ANTT để sơ tán đại biểu, người dân thoát nạn.
Lực lượng CSGT TPHCM chốt chặn từ xa các tuyến đường ngăn không cho dòng người, phương tiện di chuyển để ưu tiên cho việc di chuyển thoát nạn hướng ra khỏi khu vực đường Nguyễn Huệ và Công viên Bến Bạch Đằng. Lực lượng tại chỗ hướng dẫn dòng người hoảng loạn ở khu vực sân khấu và sơ cứu nhiều người bị thương do té ngã trong lúc thoát nạn.
Nhận tin, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an TPHCM điều động các đơn vị phối hợp có mặt chữa cháy, cứu người. Trước diễn biến đám cháy phức tạp, xảy ra liên hoàn nhiều sự cố bất ngờ, tập trung đông người..., cần thêm lực lượng, phương tiện tham gia nên Phòng PC07 báo cáo Ban Giám đốc Công an TPHCM.
Ban Giám đốc Công an TPHCM báo cáo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải về vụ cháy, nổ, tai nạn và xin chi viện lực lượng, phương tiện của các đơn vị quân đội, sở, ban, ngành… phối hợp chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Đồng chí Dương Ngọc Hải chỉ đạo các sở, ban, ngành, lực lượng Bộ Tư lệnh TP, Bộ đội biên phòng… cùng Công an TPHCM điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường chữa cháy cứu người.
Với đám cháy ở trên tàu, lực lượng chức năng dùng tàu, ca nô... tiếp cận bằng đường thủy giải cứu nhiều người và chữa cháy... Đồng thời, dùng loa yêu cầu những người còn trên tàu mặc áo phao chờ lực lượng ứng cứu. Tại hiện trường vụ tai nạn giao thông, lực lượng chức năng đã dùng máy cắt, máy thủy lực mở cửa cứu người ra ngoài chuyển cấp cứu...
Lực lượng chức năng đã cứu hàng trăm người và hướng dẫn thoát nạn cho hàng ngàn người một cách an toàn. Sau 1 giờ, lực lượng chức năng đã dập tắt hoàn toàn ngọn lửa. Buổi diễn tập kết thúc đúng theo kịch bản, không có sự cố, tai nạn phát sinh.
Phát biểu tại diễn tập, Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CATP cho biết, với tinh thần chủ động từng bước bổ sung, hoàn thiện phương án huy động, triển khai, hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng và trang bị phương tiện phục vụ công tác đảm bảo ANTT, PCCC, CNCH và tổ chức thoát nạn kịp thời tại các lễ hội, sự kiện tập trung đông người ở các cấp độ trên địa bàn Thành phố, nhất là công tác bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người tham gia các lễ hội, sự kiện tập trung đông người, với phương châm “04 tại chỗ”, không để “bị động bất ngờ", sẵn sàng ứng phó mọi nguy cơ, Công an TPHCM đã tham mưu đề xuất UBND Thành phố triển khai kế hoạch tổ chức diễn tập phương án thoát nạn khẩn cấp và chữa cháy, tìm kiếm CNCH với tình huống phức tạp nhất.
Mục tiêu của đợt diễn tập không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra năng lực, phương tiện và lực lượng, mà còn hướng đến việc nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng chức năng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các sự kiện và lễ hội. Trong các tình huống cháy, nổ hoặc tai nạn tại nơi đông người, việc tổ chức thoát nạn kịp thời, cứu hộ và chữa cháy hiệu quả là yếu tố quyết định, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
“Đợt diễn tập lần này còn là lời khẳng định mạnh mẽ về quyết tâm của TPHCM trong việc bảo đảm an toàn tối đa cho người dân và du khách, không chỉ ở khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Bến Bạch Đằng, Lê Lợi, Hàm Nghi mà bất kỳ nơi đâu trên địa bàn thành phố luôn là điểm đến an toàn và thân thiện”, Trung tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi diễn tập, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của các đơn vị trong nhiều ngày qua đã tích cực chuẩn bị chu đáo từ con người đến trang thiết bị, phương tiện để phục vụ tốt cho cuộc diễn tập hôm nay.
Thời gian tới, để chủ động phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn khi tổ chức các hoạt động lễ hội, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, chương trình nghệ thuật có tập trung đông người..., đồng chí Dương Ngọc Hải đề nghị các cơ quan, đơn vị phụ trách công tác quản lý, cấp phép tổ chức lễ hội, sự kiện cần tổ chức rà soát thời gian, địa điểm dự kiến tổ chức, tính toán dự báo số lượng người tham dự ở các thời điểm khác nhau của sự kiện; tránh việc cấp phép tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn tại một khu vực và cùng thời điểm.
Cùng với đó là chủ động thông tin, phối hợp với Công an, quân đội, lực lượng thanh niên xung phong... về tính chất, quy mô các lễ hội, sự kiện để xây dựng phương án hướng dẫn thoát nạn, đảm bảo ANTT, PCCC, CNCH, phân luồng giao thông; kiểm định kết cấu chịu lực của sân khấu, khán đài đảm bảo an toàn trước khi đưa vào sử dụng... đảm bảo mọi điều kiện về an ninh, an toàn trước khi cấp phép, tổ chức lễ hội và sự kiện.
Đồng chí Dương Ngọc Hải yêu cầu các công ty tổ chức sự kiện phải thực hiện nghiêm quy định về tổ chức lễ hội, sự kiện, tuân thủ nội dung hướng dẫn của Công an về các giải pháp đảm bảo ANTT, an toàn PCCC, phương án thoát nạn khi tổ chức; bố trí lực lượng kiểm soát lượng người tham gia trước, trong khi diễn ra sự kiện.
Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi mang vào khu vực tổ chức các loại vũ khí, hung khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo, vật liệu có khả năng gây cháy, nổ; kiểm soát chặt việc sử dụng thiết bị bay không người lái trái phép; bố trí lực lượng bảo vệ sự kiện đầy đủ để kịp thời phối hợp với lực lượng chức năng xử lý hiệu quả khi có tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức điều hành chương trình lễ hội, sự kiện ở từng cấp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ huy, điều hành, xử lý mọi tình huống đột xuất trong quá trình thực hiện; chú trọng công tác dự báo tình huống khẩn cấp (ít nhất 2 tình huống), có phương án huy động lực lượng, trang thiết bị phương tiện để xử lý theo từng cấp độ, từng sự kiện theo phương châm 4 tại chỗ, không để bị động, bất ngờ.
Riêng với Công an TPHCM, đồng chí Dương Ngọc Hải đề nghị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng thoát nạn, xử lý khi tham gia các hoạt động tập trung đông người; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, sở ngành, địa phương theo dõi, nắm chắc tình hình; kịp thời phát hiện âm mưu, ý đồ, hoạt động phá hoại của đối tượng xấu.
Đặc biệt là vào các ngày Lễ tết, thời điểm trước và trong khi diễn ra các lễ hội, sự kiện quan trọng của đất nước, TPHCM; chủ động triển khai phương án phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm ANTT từ đầu, ngay từ cơ sở.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, những ngày tới yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các phòng ban liên quan chủ động rà soát các khu vực, địa điểm tập trung đông người; nghiên cứu kinh nghiệm diễn tập hôm nay để lên phương án phòng ngừa, xử lý, không để xảy ra tình trạng bị động nhằm đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ ở địa bàn; góp phần tổ chức thành công các hoạt động lễ hội trên địa bàn TPHCM.