TPHCM ghi nhận hơn 15.500 ca sốt xuất huyết từ đầu năm

Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 15.546 ca sốt xuất huyết, trong đó có 10 ca tử vong.

Thông tin trên được đưa ra tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố chiều 24-7, do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM phối hợp Sở VH-TT TPHCM tổ chức.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, số ca mắc sốt xuất huyết nói trên tăng 158% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin tại họp báo

Ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin tại họp báo

Trước tình hình đó, ngành y tế phối hợp chính quyền địa phương đã và đang triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, thu gom, dọn dẹp các vật chứa nước tại những điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết không có người quản lý trên địa bàn.

Đồng thời, quyết tâm không để sót các ổ dịch tiềm ẩn phát sinh nguồn muỗi truyền bệnh, “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”...

Sở Y tế TPHCM kêu gọi các đơn vị và từng nhân viên y tế cùng toàn thể người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phát hiện sớm, xử trí kịp thời các trường hợp mắc bệnh.

đẩy mạnh vận động người dân tháo dỡ "chuồng cọp"

Tại họp báo, qua văn bản, Công an TPHCM cho biết, từ ngày 10-7-2025 đến nay, Công an TPHCM đã phối hợp Sở Xây dựng và UBND các địa phương tổng rà soát, kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn điều kiện an toàn về PCCC-CNCH “cả ngày lẫn đêm” đối với chung cư, chung cư cũ, nhà ở nhiều căn hộ...

Qua đó, vận động, tuyên truyền được 65 chung cư, chung cư cũ, nhà ở nhiều căn hộ (với 1.064 căn hộ) thực hiện tháo dỡ hoặc mở lối thoát nạn thứ hai qua “chuồng cọp”. Hiện còn 79 chung cư, chung cư cũ, nhà ở nhiều căn hộ (với 1.457 căn hộ) chưa thực hiện tháo dỡ hoặc mở lối thoát nạn thứ hai qua “chuồng cọp”.

 Người dân được hướng dẫn tháo “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm thứ hai

Người dân được hướng dẫn tháo “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm thứ hai

Công an TPHCM tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan, yêu cầu hộ dân lắp đặt “chuồng cọp” cam kết thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn và hoàn thành tháo dỡ hoặc mở lối thoát nạn thứ hai qua “chuồng cọp” trong thời gian sớm nhất. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra sau thời gian cam kết cho đến khi khắc phục xong.

Cùng với đó, cử lực lượng phối hợp chính quyền địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân.

Theo Công an TPHCM, tổng số cơ sở nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn TPHCM sau sáp nhập là 99.997 cơ sở. Trong đó, số cơ sở còn tồn tại vi phạm về PCCC là 18.347 cơ sở.

Tính đến nay, TPHCM còn 344 cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chưa hoàn thành khắc phục, còn tồn tại, vi phạm về PCCC.

Công an TPHCM đã tham mưu chính quyền địa phương cấp huyện (trước đây) ban hành các quyết định tạm dừng hoạt động theo Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 Quang cảnh họp báo chiều 24-7

Quang cảnh họp báo chiều 24-7

Xử lý pin thải từ xe điện sau chuyển đổi

Liên quan Đề án chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, viện đã nghiên cứu nhiều thông tin liên quan đến pin xe điện.

Theo ông Lê Thanh Hải, Việt Nam đã có nhà máy sản xuất pin xe điện ở Hà Tĩnh, với quy mô hơn 6.000 tỷ đồng. Nhà máy này đã ký kết với doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tái chế pin.

Với các nội dung ký kết gồm giải pháp cung ứng và tái chế pin, mở ra khả năng nghiên cứu đầu tư hệ thống tái chế pin xe điện trong tương lai khi lượng pin xe điện bắt đầu hết vòng đời sử dụng. Trong trường hợp không đầu tư tại chỗ, đơn vị đối tác ký với nhà máy sẽ sử dụng công nghệ xử lý pin điện tại khu vực Đông Nam Á hoặc toàn cầu.

Theo ông Lê Thanh Hải, trong pin xe điện có rất nhiều kim loại quý hiếm, do đó việc tái chế thu hồi những vật liệu này là hết sức cần thiết. Việc thu hồi, tái chế này phụ thuộc vào công nghệ.

"Hiện công nghệ tái chế pin được phát triển khá cao, khả năng thu hồi từ 90-95% vật liệu trong pin là rất khả thi, thu hút sự quan tâm đầu tư của cả nhà nước lẫn doanh nghiệp", ông Lê Thanh Hải nói.

 Ông Lê Thanh Hải thông tin tại họp báo

Ông Lê Thanh Hải thông tin tại họp báo

Cũng theo ông Lê Thanh Hải, hiện giải pháp kéo dài tuổi thọ cũng như vòng đời thứ hai của pin điện được chú trọng. Đề án cũng khuyến khích, đặt mục tiêu xây dựng Trung tâm tái chế pin với công suất khoảng 3.000 tấn/năm và có khả năng thu hồi từ 90-95% kim loại quý từ pin.

Nếu nhà máy đạt được những tiêu chuẩn nhất định, sẽ có cơ chế hỗ trợ như cho vay ưu đãi, sử dụng quỹ bảo vệ môi trường để tài trợ. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1-1-2024, các đơn vị sản xuất pin phải đóng phí tái chế. Tuy nhiên, nếu có nhà máy tái chế, doanh nghiệp có thể được nợ lại khoản phí này, đồng thời chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý pin sau sử dụng. Ngược lại, các đơn vị không tự sản xuất sẽ phải đóng phí môi trường để nhà nước dùng nguồn này hỗ trợ cho các cơ sở tái chế đạt chuẩn.

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM kỳ vọng, trong 10 năm tới sẽ hình thành được hệ thống nhà máy tái chế đạt tiêu chuẩn, góp phần giảm thiểu rủi ro ô nhiễm và phát triển giá trị công nghiệp xanh.

“Chúng tôi hy vọng Sở KH-CN phối hợp Sở Công thương TPHCM xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc thu gom, xử lý pin cũ và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật ngay từ đầu, đảm bảo quá trình được chặt chẽ và quy trình xử lý minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, giám sát quá trình thu hồi pin cũ để tránh tình trạng thải ra môi trường một cách không kiểm soát", ông Lê Thanh Hải chia sẻ.

CẨM TUYẾT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-ghi-nhan-hon-15500-ca-sot-xuat-huyet-tu-dau-nam-post805290.html