TPHCM: Hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đón đầu cơ hội
Việt Nam đang nổi lên như là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, điều này mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex Vietnam, cho rằng, cuộc xung đột thương mại kéo dài đang định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, ngành sản xuất vẫn là động lực phát triển chính của nền kinh tế.
Để tận dụng được các cơ hội này, đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp chính thức của các tập đoàn toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, công nghiệp trên địa bàn TPHCM có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đến nay, giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp thành phố chiếm khoảng 32,3% vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 19% vào GRDP thành phố.
Hiện nay, TPHCM chú trọng hỗ trợ phát triển Công nghiệp hỗ trợ (CNHT), góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, giảm giá thành, tạo ra giá trị gia tăng để công nghiệp phát triển mạnh hơn.
Thành phố đã tập trung ưu tiên phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (Cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực, thực phẩm), với nhiều giải pháp như: ban hành danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2018-2020 , đồng thời tổ chức các đoàn làm việc với các doanh nghiệp để tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh; giới thiệu về các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực để doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Cùng với đó, Thành phố cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, bao gồm: hỗ trợ về mặt bằng; thực hiện cơ chế vốn; hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ; đào tạo nhân lực; hỗ trợ về xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu; hỗ trợ thủ tục hành chính về thuế, hải quan cho doanh nghiệp.
Đồng thời, TPHCM ưu tiên thu hút các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu vào các khu công nghiệp, khu chế xuất; cũng như thường xuyên tổ chức kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cũng như đối thoại doanh nghiệp – Chính quyền thành phố… Đặc biệt, thông qua các Chương trình kích cầu đầu tư, thành phố đã huy động được các nguồn lực xã hội (vốn, nhân lực, đất đai, kỹ thuật - công nghệ) cho đầu tư phát triển các ngành CNHT, bình quân 1 đồng ngân sách bỏ ra thu hút khoảng 4 đồng từ nguồn lực xã hội.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TPHCM, CNHT ngày càng đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, các doanh nghiệp đã từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm, trở thành nhà cung ứng phụ tùng, linh kiện cho sản phẩm hoàn chỉnh của ngành điện tử, ô tô... của các tập đoàn nước ngoài, góp phần đẩy mạnh sự chuyển dịch cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực sản xuất và cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp CNHT của TPHCM đang nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác từ Nhật Bản. Mới đây, 11 doanh nghiệp đến từ tỉnh Yamagata thông qua Trung tâm phát triển CNHT TPHCM đã kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp thành phố để tìm kiếm cơ hội hợp tác cũng như nguồn cung hàng hóa trong tương lai.
Cũng tại Metalex Vietnam 2019 - Triển lãm quốc tế hàng đầu Việt Nam về máy công cụ & giải pháp gia công kim loại vừa tổ chức ngày 10-12/10 tại TPHCM, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Tokyo (Tokyo SME Support Center) cũng đã tổ chức sự kiện kết nối doanh nghiệp, giúp kết nối cho những nhà cung cấp Việt Nam và đối tác Nhật Bản.