TPHCM học tập Singapore, Nhật Bản để phát triển trung tâm dịch vụ cao cấp

Ngày 25-7, Sở Công thương TPHCM tổ chức hội thảo tham vấn lần 1 về 'Phát triển ngành dịch vụ tại TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050'. Tham dự và chỉ đạo hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Khách mua sắm tại Trung tâm thương mại AEON Mall quận Tân Phú, TPHCM

Khách mua sắm tại Trung tâm thương mại AEON Mall quận Tân Phú, TPHCM

Tại đây, nhiều góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp… chỉ ra rằng, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở nhóm nước phát triển, ngành dịch vụ được đánh giá mang tính trọng điểm cho sự phát triển kinh tế.

Các nền kinh tế thu nhập cao đều có đặc trưng sở hữu khu vực dịch vụ lớn, không những vượt trội về thu hút lao động mà còn mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Chẳng hạn, tại khu vực đồng Euro năm 2019, các lĩnh vực dịch vụ đóng góp 70% – 80% GDP (tính theo giá trị gia tăng); tỷ lệ này ở Singapore đạt 70,8% GDP, còn Hàn Quốc đạt 57,2% GDP…

Để hiện thực và cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31NQ/TW của Bộ Chính trị, TPHCM đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện và xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” ra đời nhằm giúp TPHCM tiếp tục có các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại và tạo đà bứt phá trong tương lai.

 Du khách Việt Nam tìm hiểu sản phẩm, mua hàng điện tử tại một trung tâm điện máy ở Singapore giữa tháng 5-2024

Du khách Việt Nam tìm hiểu sản phẩm, mua hàng điện tử tại một trung tâm điện máy ở Singapore giữa tháng 5-2024

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, trong phạm vi nghiên cứu Đề án đã khảo sát kinh nghiệm thành công từ các thành phố có đặc điểm tương đồng với TPHCM (Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan), từ đó rút ra bài học về mô hình phát triển ngành dịch vụ cho TPHCM. Ví dụ, mô hình Trung tâm Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm; mô hình Trung tâm Y tế; mô hình Trung tâm Giáo dục và Đào tạo; mô hình Trung tâm Công nghệ thông tin; mô hình Trung tâm Khoa học và Công nghệ...

 Các đại biểu dự hội thảo trưa 25-7

Các đại biểu dự hội thảo trưa 25-7

Đề án sẽ tập trung phân tích và tổng hợp tình hình phát triển dịch vụ của TPHCM trong tương quan nền kinh tế thành phố; mở đầu bằng các phân tích bao quát về hiện trạng của từng dịch vụ, rà soát các nguồn lực sẵn có, hệ thống sản phẩm dịch vụ để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.

Song song đó, Đề án chú trọng xây dựng TPHCM trở thành trung tâm các dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao, phù hợp thực tiễn và xu hướng phát triển trong tương lai, từng bước tạo vị thế cạnh tranh cho TPHCM so với các điểm đến khác trong nước và khu vực (Đông Nam Á, châu Á)...

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đề nghị các đại biểu tập trung đi sâu phân tích, đánh giá kết quả đóng góp của ngành dịch vụ TPHCM giai đoạn 2010-2030, cũng như cơ hội - thách thức trong giai đoạn tới.

Tiếp đến, đánh giá xu hướng phát triển mới của ngành dịch vụ TPHCM; đồng thời nhận diện xu thế phát triển trong tương lai, qua đó gợi mở, đề xuất cho TPHCM định hướng phát triển ngành dịch vụ. Phấn đấu đưa TPHCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố đầu tàu về kinh tế số, xã hội số…

 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại hội thảo ngày 25-7

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại hội thảo ngày 25-7

“Sau hội thảo, đề nghị Sở Công thương TPHCM tổng hợp đầy đủ ý kiến từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước… nhằm hoàn thiện và báo cáo UBND TPHCM kết quả bước đầu của Đề án "Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao", đồng chí Nguyễn Văn Dũng yêu cầu.

TPHCM đóng vai trò vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Số liệu từ Sở Công thương TPHCM cho thấy, mỗi năm TPHCM đóng góp gần 25% nguồn thu ngân sách và gần 22% GDP quốc gia. Đáng chú ý, giai đoạn 2021-2023, đóng góp từ 9 ngành dịch vụ chủ yếu lên tới 69,3% mức tăng GRDP. 9 ngành dịch vụ này bao gồm: thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn - khoa học công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế.

Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ phát biểu tại hội thảo

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM thông tin, hiện tại sở đã tiếp nhận 35 bài tham luận có giá trị từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân (chuyên gia, nhà khoa học…) quan tâm Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao”. Đây sẽ là những chất liệu quan trọng, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng Đề án trong giai đoạn sắp tới.

THI HỒNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-hoc-tap-singapore-nhat-ban-de-phat-trien-trung-tam-dich-vu-cao-cap-post750980.html