TPHCM hướng đến hình thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM về Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 31-12-2022 của Bộ Chính trị 'Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'.
Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 31-12-2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nêu rõ: xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Ngành y tế TPHCM phải làm gì và làm thế nào để đạt mục tiêu trên? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM.
Tiệm cận nhiều kỹ thuật mới
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, hiện các kỹ thuật y tế chuyên sâu của ngành y tế TPHCM đứng ở đâu so với các nước ASEAN?
PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Dù vừa trải qua thời gian dài phòng chống dịch Covid-19, trong năm 2022, các bệnh viện (BV) đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối của TP vẫn không ngừng nỗ lực phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu hướng tới xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực. Hàng loạt kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới tại các BV chuyên khoa, đa khoa của TP tiếp tục được triển khai thành công và mang lại cơ hội sống cao hơn cho người dân không may mắc các bệnh phức tạp, hiểm nghèo, cũng như đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh rất đa dạng của người dân theo nhiều chuyên khoa khác nhau, mang lại thêm nhiều chọn lựa cho người dân, thay vì chỉ có một chọn lựa duy nhất là ra nước ngoài để điều trị.
Đó là các kỹ thuật chuyên sâu bằng công nghệ giải trình tự gen tiêu biểu như: kỹ thuật giải trình gen phát hiện các dịch bệnh mới nổi (BV Bệnh nhiệt đới với sự hỗ trợ của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford); xét nghiệm xác định HLA độ phân giải cao bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới phục vụ cho hoạt động ghép tủy (BV Truyền máu - Huyết học)...
Hàng loạt kỹ thuật chuyên sâu của nhiều chuyên khoa khác nhau ngang tầm các nước trong khu vực như: kỹ thuật sinh thiết vú dưới sự hướng dẫn của siêu âm với sự hỗ trợ hút chân không (BV Hùng Vương); ứng dụng kỹ thuật quang điện TruScreen trong phát hiện ung thư cổ tử cung (BV Từ Dũ); kỹ thuật xạ trị X-Knife (BV Ung bướu TPHCM); phẫu thuật robot cắt ung thư thận có chồi bướu trong tĩnh mạch chủ bụng (BV Bình Dân); tiêm nội nhãn chất ức chế yếu tố tăng trưởng nội mạch trong điều trị bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non (BV Nhi đồng 1)… Đó là việc hình thành các trung tâm chuyên sâu như: Viện Tim TPHCM đã triển khai nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim ngang tầm các nước trong khu vực; Trung tâm tim mạch trẻ em tại BV Nhi đồng 1 với nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyên sâu cho trẻ em, như điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tầng, phẫu thuật tim bẩm sinh; Trung tâm ghép tạng trẻ em tại BV Nhi đồng 2 với các kỹ thuật ghép thận và ghép gan ở trẻ em…
- Các kỹ thuật chuyên sâu trên đã bao phủ cho tất cả loại hình bệnh tật của người dân chưa và còn bao nhiêu kỹ thuật chuyên sâu chưa được triển khai, nguyên nhân chính là gì, thưa ông?
Để trả lời câu hỏi này, rất cần một đánh giá nghiêm túc, khoa học của từng chuyên ngành và không thể thiếu tham khảo cập nhật các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực điều trị tại các nước trong khu vực có hệ thống y tế phát triển mạnh. Dự kiến, trong quý 2-2023, Sở Y tế sẽ tổ chức một hội nghị khoa học về báo cáo kết quả phát triển các kỹ thuật chuyên sâu của các BV chuyên khoa, đa khoa đầu ngành của TP. Hội nghị sẽ quy tụ sự tham gia của tất cả BV chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối trên địa bàn, kể cả các BV tư nhân, Hội Y học và các hội chuyên khoa. Thông qua hội nghị này, ngành y tế sẽ nắm bắt được “tọa độ” về phát triển kỹ thuật chuyên sâu của các BV TP so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, hội nghị này cũng là dịp đánh giá độ bao phủ của những kỹ thuật cao so với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là biết được những kỹ thuật chuyên khoa sâu mới đã được chứng minh hiệu quả nhưng chưa được triển khai tại TPHCM. Từ đó, ngành y tế TP xây dựng kế hoạch, lộ trình, đề xuất các giải pháp, như ưu tiên bố trí ngân sách và nhất là kiến nghị các các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội tham gia xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu của TP ngang tầm các nước trong khu vực ASEAN.
Ngành y tế đã sẵn sàng
- Vậy ngành y tế TP cần làm gì để sớm hình thành trung tâm y tế chuyên sâu?
Tác động của đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP đã chứng minh mục tiêu xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN sẽ khó thành công nếu chỉ căn cứ vào tiềm năng và năng lực triển khai các kỹ thuật chuyên sâu của các BV trung ương và BV đầu ngành của TP. Phát triển các kỹ thuật điều trị chuyên sâu riêng lẻ của từng BV vốn đã khó, việc hình thành một trung tâm y tế chuyên sâu của TP càng khó hơn nhiều. Tương tự, việc tách rời nhiệm vụ phát triển các kỹ thuật chuyên sâu khỏi các nhiệm vụ phòng chống dịch, y tế cộng đồng, cấp cứu ngoài BV tưởng chừng là hợp lý nhưng thực ra các nhiệm vụ này đều tác động qua lại và gắn bó mật thiết với nhau.
Trước hết là nhiệm vụ nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh. Thực tiễn về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP đã để lại các bài học kinh nghiệm sâu sắc, trong đó, đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực phòng chống dịch phải luôn được xem là ưu tiên hàng đầu. Nếu không triển khai hiệu quả nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, ngành y tế khó có cơ hội về nguồn lực và thời gian để triển khai các nhiệm vụ khác, như chăm sóc và quản lý các bệnh không lây, phát triển kỹ thuật chuyên sâu.
Nhiệm vụ thứ hai là củng cố y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng; trọng tâm là công tác phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện, điều trị và quản lý các bệnh không lây nhiễm. Về lâu dài, khi đã tạo dựng được niềm tin cho người dân đến với y tế cơ sở, các BV tuyến cuối sẽ được giảm tải đối với các bệnh lý nhẹ, tập trung nguồn lực để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu. Kế đến là nhiệm vụ cấp cứu ngoài BV. Khi hoạt động này hiệu quả sẽ tác động tích cực đến kết quả của các can thiệp chuyên sâu, đến sự an tâm của người dân khi chọn y tế cơ sở là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu, vì sẽ được cấp cứu và chuyển viện kịp thời khi quá khả năng của tuyến y tế cơ sở.
- Để có thể thực hiện đồng bộ nhiệm vụ trên, ngành y tế TP phải làm gì, thưa ông?
Thực tiễn chống dịch vừa qua đã giúp ngành y tế xác định rõ: nhiệm vụ xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu không thể tách rời với các nhiệm vụ trọng tâm khác bao gồm nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, củng cố y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng và chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoài BV. Qua đó, ngành y tế TP đã xác định những giải pháp mang tính quyết định cho sự thành công khi thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trên, đó là: phát triển nguồn nhân lực y tế phù hợp với từng nhiệm vụ; nâng cao năng lực quản lý của các cơ sở y tế; đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo triển khai thí điểm những hoạt động mới, chính sách mới đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư phát triển các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng công nghệ thông tin, chú trọng triển khai các kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối, quan tâm triển khai kỹ thuật học thích hợp cho tuyến y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường triển khai các ứng dụng y tế thông minh.
Ngành y tế TPHCM sẽ sớm hình thành trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao từ nguồn vốn kích cầu hoặc huy động sự tham gia của hệ thống tư nhân theo mô hình phối hợp công - tư. Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao sẽ hoạt động theo mô hình bệnh viện trong ngày chuyên về kiểm tra sức khỏe và phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm như ung thư, tim mạch…
Trung tâm sẽ liên kết chặt chẽ với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, hạn chế thấp nhất việc người dân phải đi ra nước ngoài để chẩn đoán và điều trị; đồng thời liên kết chặt chẽ với các công ty du lịch lữ hành nhằm cung ứng loại hình du lịch y tế kết hợp khám sức khỏe bằng công nghệ cao.