TPHCM: Hướng đến mục tiêu mọi người dân đều có hồ sơ sức khỏe điện tử

Dự kiến đến năm 2025, TP.HCM sẽ hoàn thành việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người dân TP.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Diệu Thúy vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, trong năm 2024 – 2025, TP đặt mục tiêu hoàn thành tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân TP và tạo lập dữ liệu sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ để hình thành kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe nhằm phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn TP.

TP.HCM hướng đến mục tiêu mọi người dân đều có hồ sơ sức khỏe điện tử

TP.HCM hướng đến mục tiêu mọi người dân đều có hồ sơ sức khỏe điện tử

UBND TP giao Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Chuyển đổi số thực hiện. Đồng thời phối hợp với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Công an TP, Bảo hiểm xã hội TP và các đơn vị có liên quan đảm bảo tính bảo mật, riêng tư hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân.

Hồ sơ sức khỏe điện tử định danh người dân bằng số căn cước công dân, số định danh cá nhân. Mẫu hồ sơ sức khỏe ghi nhận nội dung, thông tin theo quy định của Bộ Y tế, đảm bảo tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Y tế và Kiến trúc Chính quyền điện tử của TP, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định và liên thông với cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế và kết nối chia sẻ thông tin sức khỏe với phần mềm quản lý khám, chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh.

Thành phố cũng yêu cầu dữ liệu khi lập hồ sơ sức khỏe điện tử phải đảm bảo đủ thông tin để hiển thị lên Sổ Sức khỏe điện tử của người dân trên ứng dụng VNeID và các ứng dụng khác, phục vụ người dân trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh và theo dõi sức khỏe. Dữ liệu hồ sơ sức khỏe cá nhân “đúng - đủ - sạch - sống” và được liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, TP cũng đặt ra kế hoạch trong năm 2024-2025 hoàn thành xây dựng Kho dữ liệu của ngành Y tế theo 3 nhóm: (1) Nhóm dữ liệu về sức khỏe của người dân TP và mô hình bệnh tật dịch bệnh; (2) Nhóm dữ liệu về nhân lực y tế, trang thiết bị y tế, cung ứng thuốc; (3) Nhóm dữ liệu về chứng chỉ hành nghề y, dược và giấy phép hoạt động... từ việc tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu từ các hệ thống thông tin của ngành Y tế, từ các cơ sở khám chữa bệnh và dữ liệu dùng chung của Thành phố và các Bộ, ngành Trung ương.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động triển khai đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến qua các phương tiện phổ biến như điện thoại di động, tổng đài điện thoại, cổng thông tin đặt hẹn,... chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, người bệnh dễ dàng sử dụng các dịch vụ này trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra trong năm 2024 hoàn thành xây dựng nền tảng số quản lý dịch bệnh mới nổi, mở rộng thêm các phân hệ quản lý sức khỏe cộng đồng như: bệnh truyền nhiễm, quản lý tật khúc xạ và quản lý sức khỏe người cao tuổi... Đồng thời hoàn thành xây dựng và triển khai Phần mềm Quản lý chuỗi lây nhiễm (bao gồm cả các loại dịch bệnh) trên địa bàn TP.

Minh Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/cai-cach-hanh-chinh-chuyen-doi-so/tphcm-huong-den-muc-tieu-moi-nguoi-dan-deu-co-ho-so-suc-khoe-dien-tu_168001.html