TPHCM hướng tới phát triển carbon thấp
Thời gian qua, TPHCM đã tích cực chuẩn bị các bước để hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện kiểm kê, báo cáo và xây dựng kế hoạch cắt giảm phát thải theo yêu cầu của Chính phủ. TPHCM cũng đang đẩy mạnh hợp tác với Ngân hàng Thế giới triển khai dự án 'Phát triển thành phố carbon thấp' và định hướng tham gia thị trường carbon.
Nhiều tiềm năng
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước, với lộ trình vận hành chính thức từ năm 2028. Đây là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới và trong khu vực. Thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực thông qua việc mua bán tín chỉ carbon để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.
Tại TPHCM, từ năm 2010, Công ty KMDK (Hàn Quốc) đã làm việc với TPHCM để triển khai Dự án mua bán chỉ tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Cơ chế này thực hiện theo hình thức thay vì tiến hành các dự án giảm khí phát thải ngay tại nước mình, các nước phát triển có thể giúp các nước đang phát triển giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khối lượng khí thải giảm từ sự hợp tác này được tính vào chỉ tiêu cắt giảm khí thải của nước phát triển. Ngược lại, các nước phát triển phải trả một khoản tiền theo thỏa thuận cho các nước đang phát triển. Theo kế hoạch này, Công ty KMDK sẽ thực hiện một dự án giảm khí phát thải và trả cho TPHCM khoảng 3 triệu USD. Tuy nhiên, do phía Công ty KMDK gặp khó khăn về tài chính nên dự án đã không được triển khai. Dù vậy, việc đầu tư giảm khí phát thải tại các bãi rác ở TPHCM vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng trong hoạt động giảm phát thải.
Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp có tiềm năng giảm phát thải lên đến 9,3 triệu tấn CO2. Bên cạnh đó, các dự án trồng rừng, các dự án theo cơ chế phát triển sạch hay các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMAs) cũng có tiềm năng tạo nguồn tín chỉ carbon để thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Tín chỉ carbon rừng, giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng đang được xem là nguồn lực mới cho Việt Nam nói chung và TPHCM (tại huyện Cần Giờ) nói riêng. Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ với tổng diện tích rừng ngập mặn là 75.740ha và được chia làm 3 phần: phần lõi (4.721ha); vùng chuyển tiếp (29.880ha); vùng đệm (41.139ha) có tiềm năng lớn nếu tham gia vào hoạt động trao đổi tín chỉ carbon. Theo tính toán sơ bộ của ThS Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, TPHCM, rừng ngập mặn Cần Giờ có thể hấp thụ gần 11 triệu tấn CO2/ha; cung cấp khoảng 8 triệu tấn O2/ha; tích tụ khoảng 3 triệu tấn CO2/ha và có giá trị trao đổi CO2 khoảng 77 triệu USD/ha/năm.
Cần tiếng nói chung
Sau cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2021 (COP26) là Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg về danh mục các ngành, phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính. Đây là những động thái thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc cắt giảm khí nhà kính. Tuy nhiên, để vận hành được thị trường carbon, trong bối cảnh quỹ thời gian thực thi cam kết với quốc tế không còn nhiều, các thách thức về mặt kỹ thuật là rất lớn.
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM, để có thể thúc đẩy phát triển thị trường carbon, TPHCM cần phải có một nghiên cứu, đánh giá cụ thể về tiềm năng mà các lĩnh vực có thể triển khai để thu hồi carbon. Chẳng hạn như rừng Cần Giờ, các hoạt động nông nghiệp, xử lý chất thải... Sau khi có nghiên cứu, đánh giá tổng thể, phải xác định các lĩnh vực ưu tiên để kêu gọi hợp tác triển khai. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng cần dựa vào tiềm năng của từng nhóm dự án để ban hành cho phù hợp. TPHCM cũng có thể xin Chính phủ cơ chế đặc thù để phát triển thị trường carbon. Với tiềm lực của mình, TPHCM không chỉ bán mà còn có thể mua tín chỉ carbon ở các quốc gia khác.
Cùng quan điểm, PGS-TS Phùng Chí Sỹ nêu ý kiến, để phát triển thị trường carbon tại TPHCM và cả nước, các đơn vị quản lý nhà nước cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định từ cấp quốc gia cho đến cấp cơ sở phát thải; lộ trình giảm phát thải cho từng ngành, tiểu ngành một cách minh bạch, đầy đủ và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Còn các doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin và chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tham gia thị trường thông qua việc nâng cao năng lực trong các hoạt động kiểm kê khí nhà kính. Tóm lại, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức để các cơ sở, doanh nghiệp phát triển công nghệ… chuẩn bị điều kiện tham gia; hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường carbon trong nước. Nhà nước cần ban hành đầy đủ quy định về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Tại buổi hội thảo về “Phát triển carbon thấp” do Sở TN-MT TPHCM phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã thông tin, trên địa bàn thành phố hiện có 140 cơ sở lớn hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, công thương cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg. Kế hoạch đô thị carbon thấp ở TPHCM bao gồm các hoạt động, khuyến nghị và đề xuất hành động cần thiết nhằm đạt mục tiêu phát triển của TPHCM là phát thải carbon thấp. Đây có thể coi là tín hiệu rất đáng mừng của TPHCM trong công tác bảo vệ môi trường năm 2023.
Thị trường carbon trị giá hàng tỷ USD
Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2021, giá trị giao dịch thị trường carbon trên toàn cầu đã ghi nhận vượt 1 tỷ USD. Đà tăng trưởng của thị trường carbon được dự báo sẽ tiếp diễn ở cả thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện, trong bối cảnh các chính phủ cũng như các doanh nghiệp đang tích cực triển khai các giải pháp cho mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Đang xây dựng kế hoạch về cơ chế, chính sách
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị triển khai dự án giảm phát thải khí nhà kính hướng tới tham gia thị trường carbon, TPHCM đang xây dựng kế hoạch về cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ… và sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới.
Lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng. Sau khi hoàn tất các thủ tục của dự án và được phê chuẩn, tỉnh Quảng Nam sẽ mời các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đấu thầu khai thác tín chỉ. Hiện có 6 công ty nước ngoài quan tâm đến tín chỉ carbon rừng của tỉnh Quảng Nam. Theo đề án, tỉnh Quảng Nam dự kiến xuất khẩu 5,2 triệu tín chỉ carbon rừng trong giai đoạn 2021-2025.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-huong-toi-phat-trien-carbon-thap-post677585.html