TPHCM khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế

Với chủ đề 'Phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế', mục tiêu quan trọng của diễn đàn năm nay là cung cấp các yếu tố đầu vào giúp TPHCM sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để TPHCM lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu các góp ý, phản biện nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã ấp ủ cách đây gần 20 năm.

TPHCM khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TPHCM khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngày 18-10, UBND TPHCM đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2019 (HEF 2019) với chủ đề “Phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng đại diện các bộ ngành trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao, Ngân hàng Thế giới, các định chế tài chính quốc tế lớn như IMF, IFC, ADB; các chuyên gia tài chính trong và nước ngoài.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo các bộ, ngành, TP tham dự Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2019 (HEF 2019), sáng 18-10-209. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo các bộ, ngành, TP tham dự Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2019 (HEF 2019), sáng 18-10-209. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các cơ quan đại diện ngoại giao, Ngân hàng Thế giới, các định chế tài chính quốc tế, chuyên gia tài chính trong và nước ngoài tham dự diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các cơ quan đại diện ngoại giao, Ngân hàng Thế giới, các định chế tài chính quốc tế, chuyên gia tài chính trong và nước ngoài tham dự diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

20 năm theo đuổi mục tiêu

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, diễn đàn sự kiện trọng đại có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của TPHCM trong thời gian tới.

Với chủ đề “Phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”, mục tiêu quan trọng của diễn đàn năm nay là cung cấp các yếu tố đầu vào giúp TPHCM sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để TPHCM lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu các góp ý, phản biện của quý vị nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã ấp ủ cách đây gần 20 năm.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2019 (HEF 2019), sáng 18-10-2019. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2019 (HEF 2019), sáng 18-10-2019. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới.

Tại New York, dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, tại London là 42%, tại Thượng Hải là 27% và tại Singapore là 29%.

Điều đó cho thấy, mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành TP toàn cầu.

Đối với TPHCM, ngay từ năm 2002 nhằm bắt kịp với xu thế thời đại, TP đã có khát vọng “biến mình” trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại TPHCM.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM cũng thừa nhận, khát vọng này chưa phù hợp với thực tiễn. Việc trở thành trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do TP có điểm xuất phát thấp, trong số 400.000 DN đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% DN vừa và nhỏ; đồng thời, bình quân cứ 5 năm dân số TP tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp.

Không những thế, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020. Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực, tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP của TP còn thấp, mới đạt 52%; trong khi tại Singapore là 243%, tại Kuala Lumpur là 143%, tại Bangkok là 120% và tại Manila là 92%…

Điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.

Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của TPHCM như một nơi sinh sống, giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư. Do vậy, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm robot của doanh nghiệp tại Diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm robot của doanh nghiệp tại Diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, những hạn chế đó không làm TP chùn bước mà càng thôi thúc TP mơ ước và khát vọng cao hơn, đó là khát vọng mãnh liệt để TPHCM phát triển nhanh và bền vững hơn.

Khi TPHCM tiến lên thì các đô thị khác khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Do vậy, với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo, thành phố tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải đổi mới sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy tài lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và rút ngắn thời gian hình thành trung tâm tài chính quốc tế.

"Ngoài 5 yếu tố cốt lõi của trung tâm tài chính đã đề ra trong đề cương gửi đến quý vị là: môi trường kinh doanh, nguồn vốn con người, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển của ngành tài chính, danh tiếng của địa phương, TP hy vọng quý vị biểu tiếp tục phân tích, làm rõ hơn nội lực của TP hiện nay, đồng thời giúp TP tìm con đường ngắn nhất để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. TP cũng hy vọng được Chính phủ xem xét đưa Đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trở thành Đề án trọng điểm quốc gia, đây là điều kiện tiên quyết giúp TP thực hiện thành công Đề án, đây còn là cơ sở quan trọng để TP chuyển từ mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nguồn thu ngân sách TP còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai", Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ mong muốn.

Cần một thể chế vượt trội

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đánh giá cao sự quyết tâm của TPHCM khi xây dựng Đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực, là mong muốn của Chính phủ, của nhiều bộ ngành và người dân khi Việt Nam có một tâm tài chính của cả quốc gia và xứng tầm trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Với lợi thế tự nhiên và là động lực lan tỏa của TPHCM đến nhiều tỉnh, thành và các quốc gia trong khu vực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin rằng, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang đứng trước cơ hội "có một không hai” để hình thành một trung tâm tài chính ngang tầm khu vực. Đây cũng là xu hướng tất yếu, biểu hiện của một quốc gia năng động nhằm thu hút các DN, các tổ chức tài chính đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, để thành hiện thực, đề án này nên là đề án của quốc gia, mới có một thể chế vượt trội để triển khai.

TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ băn khoăn, chủ trương xây dựng Đề án Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là việc làm không mới nhưng rất cần thiết.

Từ chủ trương của Bộ Chính trị đến nhận thức của lãnh đạo TP qua các thời kỳ đều hướng đến mục tiêu là làm thế nào để TP thực sự là một trung tâm tài chính quốc gia và hướng tới trở thành một trung tâm tài chính của khu vực.

Nhưng cho đến nay mọi ý tưởng xây dựng TPHCM thành một trung tâm tài chính vẫn còn đang dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước (ví dụ tổng vốn huy động qua các định chế tài chính - tín dụng trên địa bàn TP so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% của những năm đầu thập niên 2.000 xuống khoảng 24% năm 2018; xếp sau Hà Nội 34%) .

TS Trần Du Lịch cho rằng, có 4 vấn đề đang đặt ra cần lý giải. Thị trường tài chính trên địa bàn TP đang đóng vai trò gì đối với thị trường tài chính còn non trẻ của Việt Nam. So với các trung tâm tài chính của một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Bangkok; Kuala Lumpur; Manila… TP đang ở đâu? Trong bối cảnh đó, khung pháp lý đang điều chỉnh thị trường tài chính Việt Nam và những điều kiện để trở thành một trung tâm tài chính mang tính khu vực và giao dịch quốc tế cũng chưa được hoàn thiện…

Cùng quan điểm này, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Trường Đại học Fulbright, chỉ ra thực tế tỷ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm đã làm giảm động lực phát triển của địa phương, trong đó có vai trò và vị thế của các đô thị lớn như TP ngày càng giảm. TP đang đối mặt với khó khăn từ chính sách vĩ mô và pháp luật, do đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam là các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.

TS Vũ Thành Tự Anh phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2019 (HEF 2019), sáng 18-10-2019. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TS Vũ Thành Tự Anh phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2019 (HEF 2019), sáng 18-10-2019. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Chính phủ phải có chính sách và cam kết mạnh mẽ về việc này và TPHCM chỉ là nơi thực hiện. Tuy nhiên, thách thức trong quá trình thực hiện là sự cạnh tranh gay gắt bởi hầu như quốc gia nào cũng muốn trở thành trung tâm tài chính trên thế giới.

Do vậy, muốn thành công cần có sự đột phá đến từ các yếu tố như chính sách của quốc gia, từ chính tầm nhìn và quyết tâm tự thân của TPHCM trong chiến lược xây dựng TP thành trung tâm dịch vụ, thương mại, đầu tư. Để làm được, TP phải giải quyết cùng lúc nhiều bài toán, đặc biệt là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực.

“Nếu Trung ương có quyết sách chọn TPHCM để phát triển là trung tâm tài chính của quốc gia và sau đó tiến tới khu vực thì có thể chúng ta sẽ thực hiện trong vòng 15-20 năm sẽ hoàn thành. Nhưng nếu không có những quyết sách lớn, cộng với quyết tâm thực hiện của TPHCM thì không ai có thể trả lời chính xác là bao giờ TPHCM mới chạm đến mục tiêu này. Thời gian để thực hiện là do chúng ta quyết định chứ không thuần túy phụ thuộc vào những điều kiện khách quan” TS Tự Anh nhấn mạnh.

Gợi mở bước đi để hướng một trung tâm tài chính, TS Tự Anh cho hay: “Để trở thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thì TPHCM cần phải là trung tâm tài chính quốc gia, từ đó tiến ra khu vực và thế giới thì cần một cách tiếp cận khác, nương theo biến động và xu thế của khu vực, thế giới, không theo “lối mòn” truyền thống. Cần tìm một số “thị trường ngách” để tạo sự khác biệt và đột biến song song với việc phát triển trung tâm giao dịch hàng hóa. Trên tất cả là cần giải pháp tổng thể, kết hợp chính sách trung ương và nỗ lực địa phương thì chúng ta mới có thực hiện thành công”.

Diễn đàn sẽ có các phiên thảo luận chuyên đề trong buổi chiều 18-10 và ngày mai 19-10.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: TPHCM có tiền đề tốt để trở thành TTTC quốc tế

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2019, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, các bộ ngành, các định chế tài chính và các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã quan tâm, tham dự diễn đàn và có những ý kiến đóng góp quan trọng giúp TPHCM hoàn chỉnh nhận thức về điều kiện, chức năng, quá trình xây dựng để hoàn thiện Đề án phát triển TPHCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế do Đại học Fulbright phối hợp với các đơn vị chức năng của TP thực hiện, trình Chính phủ xem xét vào quý 2-2020.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, về quy mô kinh tế phát triển, năm 2017, kinh tế Việt Nam đứng thứ 44 trên thế giới. Nếu Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng kinh tế như hiện nay, đến năm 2030, Việt Nam có thể đứng thứ 25 trên thế giới. “Việt Nam đã, đang và sẽ còn phát triển hơn nữa”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới giữ được mức tăng trưởng kinh tế bền vững trên 6%/năm trong suốt 30 năm qua. Chính phủ đang bàn chiến lược tăng trưởng kinh tế cho 10 năm tới lên đến trên dưới 7%/năm. Nếu đạt được, Việt Nam sẽ có 40 năm liên tục tăng trưởng 6%-7%/năm. Có nhiều lý do cho thấy sự phát triển bền vững, đó là độ mở nền kinh tế Việt Nam ở mức cao và vấn đề nhân lực. Bình quân từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của Việt Nam là 2,06. Đây là điều chưa có nước nào trên thế giới đạt được và Việt Nam cần duy trì điều này.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, khi TPHCM trở thành TTTC quốc tế, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư. Trước hết, TPHCM là một đô thị đặc biệt với dân số đông nhất cả nước, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực được đánh giá là năng động nhất cả nước. Năng suất lao động của vùng gấp gần 3 lần cả nước. Theo tính toán của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TPHCM và 7 tỉnh xung quanh), dân số khu vực này chiếm 9,2%, diện tích 21% nhưng đóng góp 45% tổng sản phẩm quốc nội, 42% tổng thu ngân sách và 40% xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, đầu tư trong khu vực này chỉ chiếm 27% tổng đầu tư cả nước. Nếu chúng ta tăng đầu tư vào khu vực này sẽ còn tăng trưởng mạnh và đem lại thu nhập cho nhà đầu tư cao hơn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TPHCM đang có những tiền đề tốt để trở thành TTTC. TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Thực tế cho thấy, TPHCM đang tạo điều kiện cho nhà đầu tư đến TP không chỉ đầu tư mà còn là điểm đến vì có điều kiện sống tốt. Hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm trong Khu đô thị sáng tạo (gồm quận 9, quận 2 và Thủ Đức) đang được TP quy hoạch thành khu đô thị sống tốt của TP, trong khi đó khu Rạch Chiếc sẽ là nơi nghỉ dưỡng và các hoạt động thể thao. TP cũng có tới 80 trường đại học và cao đẳng với 600.000 sinh viên theo học, mỗi năm có tới 120.000 sinh viên ra trường, là điều kiện để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho thị trường.

Ngoài ra, để TPHCM trở thành TTTC của đất nước và khu vực, cần có các điều kiện khác như: có chính sách khuyến khích đổi mới trong lĩnh vực tài chính; cải thiện môi trường đầu tư, làm sao để sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp phải đạt trên 90%; đẩy mạnh việc triển khai Đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, tập trung nguồn lực cho việc nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và lập kế hoạch chi tiết các bước triển khai, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đề án; hoàn thiện hạ tầng giao thông trong giai đoạn từ đây đến năm 2025 và thực hiện quản trị giao thông thông minh. TPHCM là TP đầu tiên thí điểm mạng 5G, đến 2025 sẽ phủ toàn TP để hỗ trợ cho việc phát triển TP thông minh và TTTC. Trong quá trình nghiên cứu xây dựng TTTC, TP sẽ chú trọng đến bài học về quy hoạch, thiết kế phải rất cẩn thận, vừa tạo cảnh quan, vừa tạo thuận lợi để hình thành hệ sinh thái phát triển TTTC một cách đồng bộ.

Với quyết tâm cao độ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tin rằng, TPHCM sẽ trở thành một TTTC của cả nước và quốc tế trong thời gian sớm nhất. Lãnh đạo TPHCM cam kết sát cánh cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư tham gia vào hoạt động đầu tư tại TPHCM.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ủng hộ TPHCM phát triển thành TTTC quốc tế

Nhìn lại 30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, luôn nằm trong những nước tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong các thập niên vừa qua lần lượt đạt 6%-8%. Trong 10 năm tiếp theo, nước ta phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 7%. “Nhiều ý kiến cho rằng khi quy mô kinh tế tăng lên thì tốc độ tăng trưởng khó đạt như trước. Nhưng tôi tin, nếu Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và huy động nguồn lực hỗ trợ thì đất nước sẽ ngày càng phát triển nhanh hơn. Đó là chưa xét đến những ý tưởng mới như TTTC tầm vóc khu vực và quốc tế ở TPHCM”.

TPHCM hiện đã là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là trung tâm đi đầu về công nghệ và cải cách hành chính, giáo dục. Người dân TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung luôn giữ tư duy cởi mở, đặc biệt trong phát triển kinh tế. Do đó, muốn phát triển TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế, các bộ, ngành cần hợp lực, đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ. Thời điểm TPHCM trình Chính phủ đề án TTTC trùng với dịp sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 về cơ chế chính sách đặc thù cho TP nên cơ hội và thuận lợi có thể nhìn nhận rõ ràng.

THÚY HẢI – HẠNH NHUNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tphcm-khat-vong-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-623212.html