TPHCM không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho rằng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu nỗ lực tối đa trong trong việc phòng chống hai loại dịch COVID-19 và sốt xuất huyết, không để xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch.
Chiều 6/7, kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X tiến hành thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội trọng tâm của thành phố trong 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong 6 tháng tới.
Nguy cơ dịch chồng dịch
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết trước đây nguồn vắc xin phòng ngừa COVID của thành phố hoàn toàn bị động và lệ thuộc vào sự phân bổ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng vắc xin thường xuyên được đáp ứng.
Trong thời gian thành phố mở đợt cao điểm chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 (từ 14-30/6), đến ngày 30/6 thành phố đã sử dụng hết lô vắc xin nhận được. Ngay sau đó, ngày 4/7, thành phố đã nhận được lô vắc xin mới.
Hiện tại các quận huyện đều đã được phân bổ lượng vắc xin với nguồn khá dồi dào (đợt 1 nhận được gần 900.000 liều Pfizer). “Vấn đề vắc xin phòng COVID-19 trong giai đoạn hiện nay không còn phải lo lắng lắm bởi đã có nguồn phong phú”, ông Thượng nói.
Ông cũng cho biết, số lượng người dân đi tiêm vắc xin hiện nay cũng tăng rõ rệt so với thời gian trước. Tính trong đợt cao điểm trên, trung bình mỗi ngày có gần 50.000 lượt tiêm (trước đó mỗi ngày chỉ có khoảng 5.000-7.000 lượt tiêm). “Chúng tôi rất mừng khi người dân đã ý thức được sự cần thiết của vắc xin và công tác tuyên truyền cũng phát huy hiệu quả. Mong rằng tất cả các địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa COVID-19, đặc biệt chú trọng vào nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền, những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với người mắc COVID”, ông Thượng bày tỏ.
Về biến chủng mới BA.4 và BA.5, ông Thượng nói chưa khẳng định được hai biến thể này có gây diễn tiến bệnh nặng hay không. Đến thời điểm này thành phố chưa phát hiện ca mắc mới nào có dấu hiệu nặng. Hiện WHO cũng theo dõi sát vấn đề này.
Tuy nhiên, đã có trường hợp người tái mắc, Bộ Y tế cũng khẳng định số ca mắc gần đây đã bắt đầu tăng lên sau khi xuất hiện BA.4 và BA.5, thành phố cũng đã có tín hiệu tăng nhẹ số ca mắc. “Chúng tôi kỳ vọng điều này có được nhờ tác dụng của vắc xin. Vắc xin không hoàn toàn giúp chúng ta không mắc, nhưng nếu có mắc thì bệnh sẽ không nặng. Do đó người dân cần lưu tâm đến việc tiêm vắc xin”, ông Thượng nói.
Giám đốc Sở Y tế cũng khẳng định, ngành y tế thành phố luôn cảnh giác phòng ngừa dịch bệnh và sẵn sàng kích hoạt lại toàn bộ hệ thống đã có trước đó nếu có dấu hiệu.
Ông Tăng Chí Thượng cho rằng mối lo ngại lớn nhất hiện nay là dịch sốt xuất huyết. “Chúng tôi vẫn đặt mình vào thế nguy cơ “dịch chồng dịch”. Đó là trường hợp có những chủng COVID-19 mới và làm xấu hơn tình hình, cộng với việc dịch sốt xuất huyết diễn tiến khó lường (hiện số ca mắc đã tăng 200% so với cùng kỳ). Chúng tôi rất lo với những diễn biến của dịch sốt xuất huyết. Do đó chúng ta phải đẩy mạnh công tác phòng ngừa dịch này, làm sao để không còn nước để loăng quăng sống, triệt tiêu môi trường sản sinh muỗi”, ông Thượng nói.
Tuy nhiên, ông Thượng cho rằng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu nỗ lực tối đa trong trong việc phòng chống hai loại dịch bệnh này và không để xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch.
Cũng theo ông Thượng, một thách thức lớn nữa là nguy cơ thiếu thuốc và vật tư. Hiện thành phố đã thông qua chủ trương thành lập Trung tâm mua sắm tập trung để hỗ trợ cho các cơ sở y tế không đủ nguồn lực tham gia đấu thầu. Dự kiến, trung tâm sẽ hình thành trong tháng 7 này, sẽ kịp thời giải quyết được nguồn cung ứng thuốc cho trạm y tế, trung tâm y tế.
Khắc phục tình trạng tụt giảm chỉ số cải cách hành chính
Liên quan đến chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của thành phố đạt thấp, bà Ngô Thị Hoàng Các, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết, đối chiếu với bộ tiêu chí đánh giá của Bộ Nội vụ thì thành phố có tăng điểm, tuy nhiên xét về thứ hạng lại giảm 20 bậc so với năm 2019 (năm 2020 bị trừ điểm nhiều nhất ở chỉ số kinh tế – xã hội, điều tra xã hội học (phần lớn do việc nhiều cán bộ không thực hiện khảo sát bởi nhiều nguyên nhân khác nhau).
Về nguyên nhân, bà Hoàng Các cho biết, một số tiêu chí chấm điểm chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn công tác; cùng với đó là một số nguyên nhân đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong đó có tiêu chí bị trừ điểm và khó khắc phục ngay, như việc sử dụng biên chế vượt so với quyết định phân bổ của bộ, hay việc sắp xếp các đơn vị công lập như y tế, giáo dục.
Bà Hoàng cũng cho biết, vừa qua Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thành phố đã họp đánh giá và quyết liệt thực hiện tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá và đề ra các giải pháp khắc phục chỉ số cải cách hành chính ngay trong tháng 7 này.