TPHCM: Kiểm tra hơn 2.000 nhà thuốc, phòng khám, phát hiện nhiều vi phạm
Trong báo cáo kết quả thực hiện Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, UBND TPHCM cho biết TP sẽ kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm…
Bà Trần Thị Diệu Thúy- PCT UBND TPHCM cho biết, trong thời gian qua, TP đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền một cách rộng rãi trên các phương tiện báo, đài và hệ thống thông tin cơ sở về việc đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả trên địa bàn. Các cơ quan báo chí TP cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng một số tin, bài nổi bật nhằm quyết liệt ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin cơ sở đã triển khai tuyên truyền các văn bản chỉ đạo về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; thông tin thường xuyên, liên tục về phương thức, thủ đoạn, hậu quả, tác hại của thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với tội phạm của người dân.
Qua đó, phát hiện, cổ vũ, động viên, tôn vinh các mô hình, điển hình, gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, tiêu thụ hàng giả trên các phương tiện truyền thông cơ sở tại địa phương.

Hàng ngàn hộp thuốc tân dược giả trong đường dây buôn bán, sản xuất thuốc giả quy mô lớn từng bị lực lượng chức năng thu giữ (ảnh minh họa)
Theo báo cáo, đối với lĩnh vực y tế, từ ngày 19 đến ngày 31/5/, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra 15 cơ sở trong đó có 13 cơ sở bán buôn thuốc, 02 cơ sở bán lẻ thuốc. Kết quả kiểm tra chưa phát hiện cơ sở kinh doanh sản phẩm giả theo các thông báo của Bộ Y tế nhưng ghi nhận có 04 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là hơn 258 triệu đồng.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng thực hiện công tác hậu kiểm các cơ sở kinh doanh dược, dược liệu trên địa bàn TP, đã tiến hành kiểm tra 06 cơ sở bán buôn thuốc, 40 cơ sở bán lẻ thuốc, 06 cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ dược liệu. Dù chưa phát hiện cơ sở kinh doanh sản phẩm giả theo các thông báo của Bộ Y tế nhưng vẫn tồn tại một số vi phạm về nhân sự, trang thiết bị, nguồn thuốc, hồ sơ sổ sách, thực hiện quy chế chuyên môn…
Trong khi đó, Đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra, xử lý 01 vụ vi phạm về hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 18 hộp thuốc điều trị bệnh dạ dày với trị giá gần 17 triệu đồng về hành vi mua, bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Các Đoàn kiểm tra của UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng đã tiến hành kiểm tra 1.623 nhà thuốc trên địa bàn (chiếm khoảng 21,30% tổng số nhà thuốc đang hoạt động); kiểm tra 338 phòng khám. Kết quả chưa phát hiện cơ sở kinh doanh sản phẩm giả nhưng ghi nhận 47 cơ sở vi phạm, trong đó, có 27 cơ sở bán lẻ thuốc vi phạm với tổng số tiền phạt là hơn 176 triệu đồng; 20 phòng khám vi phạm với số tiền phạt hơn 181 triệu đồng.
Riêng đối với lĩnh vực thực phẩm, Đoàn kiểm tra của Sở An toàn thực phẩm TP đã kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa chế biến, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bảo vệ sức khỏe...
Theo đó, Sở này đã kiểm 273 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 05 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 270 triệu dồng; đồng thời đình chỉ hoạt động có thời hạn 01 cơ sở, buộc thu hồi sản phẩm Thực phẩm bổ sung HI CANXI HIỆU GOLDMILK, SURE HIỆU GOLD BETA và bột sữa dinh dưỡng Vita Nutri Diabetic Gold.
Trong quá trình kiểm tra, các Đoàn kiểm tra của Sở An toàn thực phẩm đã lấy 66 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm và đang chờ kết quả kiểm nghiệm.
Đáng nói, lực lượng Chi cục Quản lý thị trường Thành phố đã thực hiện kiểm tra, xử lý 35 vụ vi phạm đối với mặt hàng thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (trong đó mặt hàng sữa là 02 vụ, mặt hàng thực phẩm chức năng là 03 vụ), số tiền phạt là 408 triệu đồng; tạm giữ: 47.603 đơn vị sản phẩm và 5,3 tấn hàng hóa với tổng trị giá 1,46 tỷ đồng (trong đó mặt hàng sữa là 4.677 chai sữa nước hiệu Ensure, mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe là 2.247 hộp).
Điển hình là ngày 21/5/2025, Đội QLTT số 3 kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa trực thuộc Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư An Nguyên tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh phát hiện tại đây đang chứa và kinh doanh 2.167 hộp thực phẩm chức năng hiệu KIRKLAND, FOCUS và 4.497 chai sữa nước hiệu ENSURE, có tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 777 triệu đồng nên đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.
Song song đó, các đoàn kiểm tra của UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã tiến hành rà soát, kiểm tra 619 cơ sở, tập trung vào các cơ sở kinh doanh sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; ghi nhận các cơ sở cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật, chưa phát hiện trường hợp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Bà Thúy cũng cho biết thêm, nhìn chung việc kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, sữa, thực phẩm chức năng hiện nay đang gặp khó khăn vì còn một số vướng mắc nhất định. Trong thời gian tới, để công tác tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đạt được hiệu quả cao, UBND TP đã kiến nghị cơ quan cấp cao sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, trong đó có các vấn đề liên quan đến công tác quản lý thực phẩm chức năng; cũng như kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số điều trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP để thuận tiện trong việc thực hiện kiểm tra, đối chiếu các chỉ tiêu với kết quả kiểm nghiệm khi thực hiện hậu kiểm, thanh kiểm tra về sản phẩm…