TPHCM: Kiến tạo hành trình mới, năng lực cạnh tranh mới
Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) năm 2023 đã thu hút số lượng đại biểu tham gia đông nhất qua 4 kỳ tổ chức, đồng thời cũng ghi nhận trên 80 ý kiến tại các phiên làm việc.
Điều này cho thấy nhiều kỳ vọng đột phá cho kinh tế TPHCM - một đầu tàu kinh tế của cả nước trong “kiến tạo hành trình mới, năng lực cạnh tranh mới”.
Chính sách đồng hành cùng DN
Tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với lãnh đạo các tập đoàn mang tên “CEO 100 Tea Connect” diễn ra chiều 14-9, nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước bày tỏ mong muốn đầu tư, hỗ trợ TPHCM làm kinh tế xanh, nhưng cũng mong có chính sách đồng hành.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh REE, cho rằng muốn phát triển nền kinh tế thịnh vượng cần đi đôi với đảm bảo an toàn môi trường, giảm phát thải, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng. Theo bà Thanh, TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung rất đẹp, DN khao khát về nền kinh tế phát triển rực rỡ nhưng thực tế chưa được như vậy. Hạ tầng yếu kém, thiếu quy hoạch cho tầm nhìn 50 năm, TP chưa theo kịp nhu cầu của nền kinh tế tuần hoàn.
Chưa hết, nguồn nước, bầu không khí ô nhiễm, chi phí y tế tăng cao… đã tác động rất lớn đến sức khỏe người dân. Trên đường phố TPHCM có rất nhiều điểm bán hàng sử dụng bao bì không phân hủy, hàng ngày thải ra hơn 10 triệu tấn rác thải sinh hoạt và chủ yếu được chôn lấp... chính là ẩn họa về môi trường. Vì vậy, nói đến sứ mệnh tăng trưởng xanh cần sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và phải có kế hoạch cụ thể.
Ở góc độ DN, bà Thanh cho biết REE đang tập trung vào sản xuất năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời..., cung cấp dịch vụ đạt chuẩn LEED, DGNP, Green Mark, Lotus…, đầu tư xử lý rác thải cho TPHCM và tận dụng nguồn nhiệt để phát điện. “Chúng tôi đang đệ trình dự án WTE 2.000 tấn rác mỗi ngày để xử lý, nhưng DN phải chờ đến 18 tháng mới có thể xác định địa điểm. Mong lãnh đạo TP quan tâm hơn về dự án, bởi chậm 1 ngày TP sẽ ngập đầy rác" - bà Thanh đề đạt nguyện vọng.
Ngoài dự án này, bà Thanh cho biết REE đang đầu tư hệ thống điện mái nhà công sở. TP có rất nhiều tòa nhà công sở nên đây là thế mạnh rất lớn, DN sẵn sàng đầu tư và bán điện theo giá điện lực. "Từ thực tế trên, rất mong chính quyền TP có quy định, chế tài chặt chẽ, đưa vào học đường vấn đề bảo vệ môi trường" - bà Thanh đề xuất.
Cũng tại chương trình này, nhiều DN cho rằng TPHCM cần có đề xuất với bộ, ngành trung ương xây dựng các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí “xanh” một cách cụ thể cho các lĩnh vực. Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jean (DN chuyên xuất khẩu hàng dệt may), TPHCM nên cùng các hiệp hội, ban ngành đóng góp xây dựng các tiêu chí, hàng rào pháp lý xanh hóa ngành dệt may.
Tương tự, ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, kỳ vọng TP có cơ quan đầu mối hỗ trợ giải quyết những khó khăn cho DN lĩnh vực tái chế. "Chúng tôi cũng cần bộ quy chuẩn cho sản phẩm tái chế, và tiêu chuẩn an toàn sản phẩm tái chế" - ông Duy Anh chia sẻ.
Không chỉ DN Việt, nhiều DN nước ngoài cũng bày tỏ mong muốn đầu tư nhưng cũng mong có những hỗ trợ. Cụ thể, ông Han Sang Deog, Phó Tổng giám đốc điều hành Samsung Engineering Việt Nam, nói từ lâu đã quan tâm, xem xét đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và đốt rác phát điện tại TPHCM. Công ty ông cũng đề xuất chiến lược mang tên "Tổ hợp môi trường tích hợp". Đây là khu phức hợp môi trường kinh tế tuần hoàn, gồm cả xử lý nước, chất thải và khí sinh học…
Theo ông Han Sang Deog, từ giai đoạn lập kế hoạch, các cơ quan liên quan và Samsung cần làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp tối ưu. "Khi nhận được sự hỗ trợ về chính sách từ Chính phủ, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ chuỗi giá trị dựa trên việc giới thiệu, ứng dụng công nghệ, thực hiện đầu tư và cung cấp giải pháp cấu trúc tài chính, thiết kế, thi công và quản lý vận hành" - ông cho biết.
Phó Thủ tướng CHÍNH PHỦ LÊ MINH KHÁI:
TPHCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và xuất nhập khẩu, số DN đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước.
Tuy vậy, TPHCM có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước). Về cơ bản nền kinh tế của TP chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.
Vì thế, diễn đàn này được xem là sự khởi động cho những hành động diễn ra trong thực tế tiếp theo. Trong đó, đòi hỏi TPHCM phát huy tinh thần chủ động trong triển khai thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách và chiến lược từ Trung ương. Kỳ vọng TPHCM sẽ tạo sự chuyển biến về ý thức tiêu dùng xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tiến tới nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững trong tương lai không xa.
Song hành Trung tâm tài chính quốc tế và TP xanh
Ở phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế TPHCM diễn ra ngày 15-9, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết TPHCM là đô thị đặc biệt, là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng, đóng góp ngân sách quốc gia lớn, có năng suất lao động cao nhất. TP cũng là trung tâm dịch vụ và công nghiệp lớn và là địa phương có số lượng DN hoạt động lớn nhất cả nước.
"Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, quy mô lớn, trong thời gian tới TPHCM phải lựa chọn con đường phát triển khác thời gian trước, tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Đây là hướng đi đúng, phù hợp với định hướng của Đảng và xu thế mới của thế giới, tạo ra động lực và không gian mới trong phát triển kinh tế - xã hội" - ông Nguyễn Đức Hiển nói.
Một vấn đề đáng chú ý được Ban Kinh tế Trung ương nêu ra, là TP cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các bộ, ngành và TPHCM cần sớm đẩy nhanh xây dựng đề án này, có cơ chế vượt trội để phát triển. Khi phát triển trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, TPHCM cần đi tiên phong thu hút các nguồn lực tài chính xanh cho tăng trưởng, tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh.
Ông Nguyễn Minh Vũ, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cũng cho rằng với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TPHCM đang có điều kiện rất thuận lợi để trở thành "cực thu hút" các nguồn tài chính xanh đang có xu hướng gia tăng hiện nay.
Bí thư Thành ủy TPHCM NGUYỄN VĂN NÊN:
TPHCM đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, nhằm xây dựng TP trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là nơi hấp dẫn nhà đầu tư và du khách.
Khung chiến lược xác định người dân, DN là trung tâm của chuyển đổi số, đồng thời thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột: Phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.
Sau diễn đàn này TPHCM sẽ sớm hoàn thiện khung chiến lược và triển khai khung hành động với nhiệm vụ và mốc thời gian cụ thể. Đồng thời, thảo luận nội dung thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TPHCM, nhằm tăng cường hợp tác với trung tâm cách mạng lần thứ 4 trên thế giới, hỗ trợ những giải pháp có tính đột phá của TP phù hợp với quốc gia và xu hướng trên thế giới. Huy động các nguồn lực vào năng lượng tái tạo giảm phát thải nhà kính, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, giảm ô nhiễm không khí kết hợp với đô thị tiết kiệm năng lượng và tài nguyên…
"TP cần sớm ban hành chính sách hoặc cho thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với một số công cụ tài chính mới như phát hành trái phiếu xanh, xây dựng sàn giao dịch carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới kết nối với các nước ASEAN để trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của khu vực với tầm nhìn toàn cầu" - ông Nguyễn Minh Vũ đề xuất.
Trước những băn khoăn về việc nếu phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế, liệu TPHCM có đảm bảo được mục tiêu phát triển xanh, giảm phát thải carbon hay không, bà Tôn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân TP Thượng Hải (Trung Quốc), đã dẫn câu chuyện về TP Thượng Hải để mở ra câu trả lời: Thượng Hải là một trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm vận tải quốc tế, trung tâm khoa học công nghệ, cũng đồng thời là TP xanh, thấp carbon và thân thiện với môi trường.
Chuyển đổi xanh và thấp carbon đối với Thượng Hải có ý nghĩa to lớn trong việc giảm nhiệt độ toàn cầu, đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện phát triển bền vững. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ nỗ lực để đạt đỉnh phát thải carbon trước năm 2030 và đạt trung hòa carbon trước năm 2060.
“Chúng tôi đã cải thiện hệ sinh thái ở Thượng Hải để mang lại nhiều khuôn viên xanh, bầu trời xanh hơn và nước sạch hơn cho người dân. Trong 10 năm qua, nồng độ hàng năm trung bình của PM2.5 tại Thượng Hải đã giảm từ 62 microgram mỗi mét khối xuống còn 25 microgram mỗi mét khối” - bà Tôn Minh nói và cho biết Thượng Hải đã thúc đẩy sự chuyển đổi xanh và hạ thấp carbon chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, môi trường, giao thông và xã hội tái chế.
Từ khi Thượng Hải và TPHCM trở thành TP kết nghĩa vào năm 1994, 2 bên đã tiến hành trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại và kinh doanh, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. 2 bên có nhiều khả năng hợp tác trong việc chuyển đổi xanh và thấp carbon trong tương lai.
Ông Yasuo Takahashi, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, Giám đốc điều hành Viện chiến lược môi trường toàn cầu (IGES), chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy nhiều địa phương của Nhật Bản công bố kế hoạch giảm phát thải nhanh hơn, nhiều hơn so với lộ trình chung của quốc gia. Theo ông Takahashi, sự khởi động của các TP như TPHCM và sau đó lan tỏa đến nhiều địa phương khác, sẽ tác động rất lớn đến cam kết chung của Chính phủ.
Thí điểm cơ chế đặc thù trong chuyển đổi xanh
Tại diễn đàn năm nay, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đã được chia sẻ cùng TPHCM. Dưới góc độ chuyên gia kinh tế cũng như là người đồng hành với TPHCM trong nhiều năm qua, TS. Trần Du Lịch khuyến nghị TP nên tận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong quá trình chuyển đổi xanh.
Theo đó, trước mắt TPHCM có thể xây dựng khung chiến lược tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió ngoài khơi như Cần Giờ để giảm lượng khí thải carbon ra ngoài môi trường (hiện chiếm 23% tỷ trọng trên cả nước). Đồng thời, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất theo đơn vị sản phẩm; tiết kiệm điện…
Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI:
Phát triển xanh là lựa chọn tất yếu của TPHCM và TP sẽ xây dựng khung hành động phát triển xanh với tiêu chí rõ việc, rõ thời gian, rõ từng lĩnh vực, đối tượng.
Đặc biệt, TPHCM sẽ nghiên cứu chính sách để đồng hành với DN trong chuyển đổi, phát triển xanh, ban hành để thực thi trong đầu năm 2024. TP cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050.
Với những góp ý tại diễn đàn, thấy rằng TPHCM có đủ cơ sở để hoàn thiện khung chiến lược tốt, từ đó xây dựng khung hành động với mốc thời gian, lĩnh vực cụ thể. Song song đó là ban hành quy định, quy chuẩn phù hợp quốc tế. TPHCM sẽ giữ vai trò tiên phong phát triển xanh, thực hiện mục tiêu Net Zero.
"Hiện TPHCM đang chuyển đổi chức năng, công năng của một số khu công nghiệp, khu chế xuất, do đó cần tận dụng Nghị quyết 98 để hỗ trợ chi phí cho các DN chuyển đổi sử dụng năng lượng thân thiện môi trường và giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất" - TS. Trần Du Lịch đề xuất và cho rằng TP nên vận động người dân đi xe đạp để giảm lượng khí thải từ phương tiện xe máy cá nhân. Giảm sử dụng nhựa và đổi sang các nguyên liệu từ thiên nhiên thân thiện với môi trường.
Tại diễn đàn, hầu hết diễn giả đều khẳng định vai trò quan trọng của người dân và DN trong quá trình chuyển đổi xanh. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Lê Công Thành, TPHCM nên kêu gọi cộng đồng DN trong và ngoài nước có những đề xuất, sáng kiến cho hoạt động chuyển đổi xanh, để lan tỏa các mô hình triển khai thành công theo phương châm “Nhà nước kiến tạo thể chế và dẫn dắt, DN và người dân đóng vai trò trung tâm”.
Đề xuất một số nội dung liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng DN cần tham gia với vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, và triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nói về sự tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam thời gian qua, ông Don Lam, Tổng giám đốc và là cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital, nhấn mạnh khu vực tư nhân đang đẩy mạnh và đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện sự chuyển đổi xanh, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
"Sự phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi xanh không chỉ dừng lại ở năng lượng. Mọi lĩnh vực của kinh tế đều sẽ được chuyển đổi theo cách này hay cách khác, dù ít hay nhiều. Và không có lý do gì để DN Việt Nam không đi đầu trong việc áp dụng các thực tiễn kinh tế tuần hoàn" - ông Don Lam nhận định.
Nhắc đến vai trò của DN trong hành trình chuyển đổi xanh, năm nay cũng là năm đầu tiên TPHCM trao danh hiệu cho 90 DN xanh và sẽ tôn vinh hàng năm để chào đón thêm nhiều DN tham gia vào danh sách DN xanh. Không chỉ lắng nghe các ý kiến tại các phiên làm việc, TPHCM đang từng bước hành động. Từ đó cụ thể hóa quyết tâm của lãnh đạo TP trong việc chuyển đổi nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thủ tướng Chính phủ và Diễn đàn kinh tế thế giới, TPHCM đã có những cuộc gặp, trao đổi và làm việc với Diễn đàn kinh tế thế giới.
Theo đó, 2 bên thống nhất hợp tác trong việc thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TPHCM, Diễn đàn kinh tế TPHCM tham gia hệ sinh thái của Diễn đàn kinh tế thế giới. Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TPHCM sẽ là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới.
Tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thay mặt lãnh đạo TP và ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, trao bản Tuyên bố chung đã được ký giữa Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và GS. Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới.