TPHCM: Lấn chiếm vỉa hè tái diễn, vướng thẩm quyền xử phạt
Chiều 24/7, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Kiên Giang – Phó Trưởng phòng Quản lý bảo trì và Khai thác công trình giao thông, Sở Xây dựng TP.HCM đã thông tin về những thách thức trong việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè.
Theo ông Giang, Sở Xây dựng TP.HCM tiếp tục ghi nhận nhiều hành vi vi phạm liên quan đến việc sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè để buôn bán, đậu xe hoặc rào chắn thi công. Những vi phạm này xảy ra khá phổ biến tại các khu vực giáp ranh hành chính, khu dân cư đông đúc, chợ tự phát và xung quanh các bệnh viện lớn.
Một trường hợp cụ thể được ông Giang nêu rõ là tại dự án nhà chung cư OCC (do Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình làm chủ đầu tư), đơn vị này đã dựng hàng rào tạm bằng tôn, lấn chiếm vỉa hè gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông và trật tự đô thị. Sau khi được phản ánh, chủ đầu tư đã cam kết tháo dỡ phần rào chắn vào tháng 5/2025.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang tái diễn trên địa bàn TPHCM (ảnh: Hữu Huy)
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, một trong những khó khăn nổi bật hiện nay là sự thay đổi về cơ chế xử lý vi phạm. Trước đây, thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè thuộc về UBND cấp quận, tuy nhiên từ ngày 1/7/2025, thẩm quyền này được chuyển giao về cấp xã, phường.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực thi của lực lượng tại cơ sở. Thêm vào đó, Luật Thanh tra năm 2015 đã bỏ tổ chức cơ quan thanh tra tại các sở, dẫn đến sự gián đoạn trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, đặc biệt ở các công trình xây dựng có yếu tố phức tạp.
Dù việc xử lý đã có chuyển biến tích cực tại một số khu vực, tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn. Để khắc phục, Sở Xây dựng TP.HCM đang triển khai một số giải pháp đồng bộ. Trước mắt, Trung tâm Quản lý điều hành đô thị TP.HCM sẽ khảo sát và đề xuất lắp đặt hệ thống camera tại các khu vực thường xuyên xảy ra vi phạm, nhằm hỗ trợ công tác ghi hình, xử phạt và theo dõi trật tự đô thị.
Bên cạnh đó, Sở cũng đang tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá và giám sát công tác quản lý vỉa hè tại những tuyến đường phức tạp – đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP. Thủ Đức (địa giới hành chính trước sáp nhập). Việc phối hợp với các địa phương này sẽ được tăng cường trong thời gian tới nhằm tạo chuyển biến rõ nét trên thực địa.
Một vấn đề đáng lo ngại khác được ông Giang chỉ ra là sự bị động trong phối hợp với các đơn vị hạ tầng không thuộc quyền quản lý của thành phố. Có những công trình sửa chữa giao thông đột xuất do cơ quan bên ngoài thực hiện, nhưng không có thông báo trước, khiến cơ quan chức năng TP.HCM không thể triển khai các biện pháp điều tiết hoặc hỗ trợ kịp thời.
“Điều này không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn khiến việc kiểm soát lấn chiếm vỉa hè càng khó khăn, vì chúng tôi không thể kiểm tra hay xử lý nếu không biết trước sự việc”, ông Giang thẳng thắn.
Về lâu dài, ông Giang cho rằng cần có sự phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các cấp và các ngành, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp liên thông với các đơn vị ngoài thành phố. “Lấn chiếm vỉa hè là câu chuyện không mới, nhưng nếu không xử lý quyết liệt và rõ người, rõ việc, thì tình trạng này sẽ tiếp tục lặp lại” - ông Giang nhấn mạnh.