TPHCM: Mầm bệnh vẫn âm thầm trong cộng đồng, nhiều chuỗi lây nhiễm chưa xác định được nguồn gốc

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM diễn ra vào sáng 14/6, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề xuất tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TPHCM theo các nội dung của Chỉ thị 15/CT-TTg kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Thời gian giãn cách tiếp theo là 14 ngày kể từ ngày 15/6.

Sở Y tế TPHCM đề nghị tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố 14 ngày theo Chỉ thị 15/CT-TTg, kể từ ngày 15/6.

Sở Y tế TPHCM đề nghị tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố 14 ngày theo Chỉ thị 15/CT-TTg, kể từ ngày 15/6.

Theo GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh: Qua phân tích, mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, việc gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan.

Thời gian 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó áp dụng giãn cách trong khoảng thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của SARS-CoV-2.

Do đó, Sở Y tế TPHCM đề xuất giãn cách nghiêm túc ở tất cả các lĩnh vực theo đúng chỉ đạo của TPHCM đồng thời áp dụng 5K một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ hơn sau một tuần sẽ đánh giá lại tình hình để đề ra biện pháp phòng, chống dịch phù hợp thực tế.

Đã ghi nhận 821 ca nhiễm tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tổng số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng trên địa bàn TPHCM từ ngày 18/5 đến ngày 13/6 là 821 ca, phát hiện tại 22 quận huyện, TP Thủ Đức.

Các quận huyện có số ca bệnh nhiều nhất Gò Vấp (115 ca, 14/15 phường có ca bệnh), quận 12 (72 ca, 7/11 phường có ca bệnh), Bình Thạnh (66 ca 9/20 phường có ca bệnh), Tân Bình (63 ca, 10/15 phường có ca bệnh), Bình Tân (61 ca, 7/11 phường có ca bệnh), Tân Phú (51 ca, 11/11 phường có ca bệnh).

Chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, từ ngày 26/5 đến nay có 470 trường hợp mắc COVID-19 đã được công bố, được phát hiện tại 2l/22 quận huyện, TP Thủ Đức. Hiện chuỗi lây nhiễm này cơ bản đã được kiểm soát.

Nhiều chuỗi lây nhiễm chưa xác định được nguồn gốc

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, từ những ca chỉ điểm đến sàng lọc tại các bệnh viện, qua điều tra truy vết TPHCM đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch trong cộng đồng và các chuỗi này hiện chưa xác định được nguồn lây như:

Chuỗi lây nhiễm tại Khu dân cư Ehome3, giáp ranh Bình Tân và quận 8, 48 ca xác định: từ 1 trường hợp đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Quốc tế City ngày 5/6 và 1 trường hợp đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Triều An ngày 7/6.

Qua truy vết đã phát hiện 47 ca bệnh khác tại khu vực này và các cụm dân cư thuộc phường 16 (quận 8), phường An Lạc (quận Bình Tân), xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh), trong đó có 1 công nhân làm việc tại công ty Pouchen và 2 công nhân làm việc tại công ty Tỷ Hùng đều thuộc quận Bình Tân (xét nghiệm, kiểm tra toàn bộ 4.910 nhân viên Công ty Pouchen và 571 nhân viên Công ty Tỷ Hùng chưa phát hiện thêm người mắc bệnh).

Ngoài ra, cũng thuộc khu dân cư Ehome 3, ngày 30/5 phát hiện 2 bệnh nhân trong 1 gia đình tại block A6, có liên quan đến Điểm nhóm sinh hoạt truyền giáo Phục Hưng; ngày 12/6 phát hiện 4 bệnh nhân trong 1 gia đình ở block A1 liên quan đến chuỗi lây nhiễm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM; ngày 13/6 đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm là cặp vợ chồng bán nông sản cư ngụ ở block A9.

“Với đặc điểm khu dân cư sử dụng chung các cơ sở hạ tầng có thể nhận định khu dân cư Ehome 3 là 1 ổ dịch. Hiện đã phong tỏa toàn bộ Khu dân cư”, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay.

Chuỗi lây nhiễm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM: Từ ngày 11/6 đến ngày 13/6 bệnh viện đã xét nghiệm toàn bộ 924 nhân viên và phát hiện 53 trường hợp mắc, đến sáng nay ghi nhận thêm 2 trường hợp. Tổng cộng 55 trường hợp mắc COVID-19 là nhân viên bệnh viện thuộc 13 khoa, phòng, bộ phận.

Nhận định ban đầu đây là ổ dịch lây nhiễm trong nhân viên bệnh viện, chủ yếu thuộc phòng công nghệ thông tin (CNTT), phòng chỉ đạo tuyến, phòng hành chính quản trị và các phòng chức năng khác như Kế hoạch tổng hợp, tổ chức cán bộ, dược, trong đó có 1 nhân viên sống trong ổ dịch khu đân cư Ehome 3.

Liên quan đến ổ dịch này đã phát hiện thêm 1 nhân viên khoa Vi sinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định (vợ của nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới), từ đó lây thêm cho 1 đồng nghiệp cùng khoa. Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã xét nghiệm tầm soát toàn bộ nhân viên khoa Vi sinh và đã có kết quả âm tính.

Chuỗi lây nhiễm Xưởng Cơ khí Hóc Môn: Tối ngày 8/6, TPHCM ghi nhận 6 bệnh nhân đồng thời đến khám sàng lọc tại 3 bệnh viện Thống Nhất, Trưng Vương và Bình Chánh (2 bệnh nhân / bệnh viện).

Qua truy vết đã phát hiện các bệnh nhân nảy đều cùng liên quan đến Xưởng cơ khí ở Hóc Môn, và đã phát hiện thêm 43 ca, trong đó có 3 bệnh nhân làm việc tại Công ty SAMHO, đến nay không phát hiện thêm ca bệnh mới.

Chuỗi lây nhiễm này ảnh hưởng đến các quận huyện Củ Chi, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Tân Bình.

Chuỗi lây nhiễm tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức: Từ 1 bệnh nhân đến khám sàng lọc tại bệnh viện Đức Khang ngày 2/6 đã phát hiện thêm 5 bệnh nhân F1 là người sống cùng nhà và 1 trường hợp F2 cùng làm việc với 1 trường hợp F1. Từ ngày 9/6 chưa phát hiện thêm ca nhiễm mới.

Chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn: từ 1 bệnh nhân đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Hóc Môn ngày 5/6 đã phát hiện thêm 9 bệnh nhân khác cùng nhà và các nhà xung quanh. Từ ngày 9/6 chưa phát hiện thêm ca nhiễm mới.

Chuỗi lây nhiễm Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn: Phát hiện ngày 11/6 qua 1 nhân viên khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1 được khám sàng lọc tại Bệnh viện Xuyên Á. Qua truy vết đã phát hiện thêm 21 bệnh nhân nữa cùng ấp. Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tổ chức xét nghiệm toàn bộ nhân viên, không phát hiện thêm người bệnh.

Dịch lan tỏa nhanh và rộng

Theo trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại thành phố.

Các ổ dịch cộng đồng lớn tại thành phố ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.

Trong thời gian tới TPHCM sẽ tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch đối với các ổ dịch đang có dấu hiệu lây lan. Kiểm soát chặt các khu vực phong tỏa và các khu cách ly;

Tăng cường kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện và phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung;

Triển khai tầm soát đối với các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 không chỉ tại bệnh viện mà còn ở cộng đồng./.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/tphcm-mam-benh-van-am-tham-trong-cong-dong-nhieu-chuoi-lay-nhiem-chua-xac-dinh-duoc-nguon-goc/434628.vgp